Thứ Năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024

TPHCM tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên trong Khu Công nghệ cao TPHCM.

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa có báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Theo UBND TPHCM, về cơ bản, TP đã đạt được những kết quả quan trọng sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ. Nhiều đề án, chương trình được nghiên cứu bài bản chuyên sâu, lấy ý kiến chuyên gia và đảm bảo cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn trước khi được phê duyệt. TP đã đạt được những bước đột phá về đổi mới quản lý với sự hình thành của TP Thủ Đức, xây dựng chính quyền đô thị và điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2022 - 2025.

Kinh tế TP đã trở lại quỹ đạo phát triển trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện, đại gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động. Ước tính tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 5,3%/năm (Kế hoạch tăng trưởng bình quân 8%/năm). Nếu tính từ sau giai đoạn COVID-19 (từ 2022 tới nay), mức tăng trưởng bình quân của TP đạt mức 7,7 - 7,9%. GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 7.558 USD/người; dự kiến năm 2025 đạt 8.341 USD/người. Trong năm 2024 đã đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng.

TP từng bước chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu. Chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện. Tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng ngày càng phổ biến vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ cao, sản xuất xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Cơ cấu nội bộ một số ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Nhiều ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP. Hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) được cải thiện. Chất lượng lao động trong các ngành kinh tế được nâng cao, trong đó, lao động phổ thông trong nhiều ngành công nghiệp có chiều hướng giảm. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng qua các năm.

Trong năm 2025, UBND TPHCM tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được Chính phủ phân công tại Nghị quyết số 154/NQ-CP và các chương trình, đề án cụ thể đã được UBND TP ban hành tại Quyết định số 2531/QĐ-UBND ngày 20/6/2023.

TPHCM tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của TP. Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số. Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; quyết tâm hoàn thành tốt kế hoạch đầu tư công; đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm. Phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lập quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM. TPHCM chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp. Phát triển mạnh lĩnh vực thông tin - truyền thông, chuyển đổi số và xây dựng TP thông minh.

Vân Minh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo