Đoàn công tác tìm hiểu về công tác quản lý xây dựng và vận hành các tòa nhà ở khu vực Cảng biển Hoàng gia, tại Thụy Điển (Thanhuytphcm.vn) – Ngày 24/11, đoàn đại biểu TPHCM do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải dẫn đầu, tiếp tục có nhiều hoạt động tại địa phương của Thụy Điển.
Theo đó, đoàn đại biểu TPHCM, đã có buổi làm việc với Cơ quan Bảo vệ môi trường Thuỵ Điển. Tháp tùng đoàn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê; Thành ủy viên, Giám đốc Sở Công thương TP Bùi Tá Hoàng Vũ; Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP Lâm Đình Thắng; Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Thái Thị Bích Liên; Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Quận 8 Võ Ngọc Quốc Thuận; Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Lê Minh Dũng; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Nguyễn Văn Hiếu; Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM Phạm Dứt Điểm; Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Cao Sơn Yên.
Tiếp đoàn đại biểu TPHCM có ông Åke Mikaelsson, Cố vấn cấp cao và Giám đốc chương trình hợp tác môi trường của Thụy Điển với Nga, khu vực Barents, Mỹ, Canada và Việt Nam; ông Johan Leymann, Cố vấn cấp cao về Chuyển đổi năng lượng và Khí hậu, Chuyên gia về mạng lưới điện Thụy Điển; và bà Isabella Hjorth, cán bộ phụ trách các chương trình tại Brazil, Ấn Độ và Việt Nam.
Lãnh đạo một số sở ngành, quận huyện của TPHCM tìm hiểu tại cổng thu gom rác tự động hiện đại ở một khu dân cư Tại buổi làm việc, ông Åke Mikaelsson và các cộng sự đã cập nhật với Đoàn về các chính sách và mục tiêu cụ thể của Thụy Điển trong thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, phát triển năng lượng tái tạo, các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị tác động của quá trình chuyển đổi xanh. Theo đó, Thụy Điển đặt mục tiêu đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2045 và lượng phát thải của Thụy Điển vào năm 2045 so với năm 1990 sẽ giảm tối thiểu 85%. Ông Åke Mikaelsson cho biết lượng phát thải của Thụy Điển trong năm 2022 tương đương 45,2 triệu tấn CO2, trong đó lượng phát thải nhiều nhất đến từ sản xuất công nghiệp chiếm 34%; giao thông chiếm 31% và nông nghiệp chiếm 15%. Kinh nghiệm của Thụy Điển cho thấy việc gia tăng GDP có thể đi đôi với việc giảm lượng phát thải nhà kính, cụ thể GDP bình quân đầu người của Thụy Điển trong năm 2020 đã tăng 62% so với năm 1990 và lượng phát thải đã giảm 37%.
Đoàn đại biểu TPHCM chụp hình lưu niệm tại một địa điểm tiếp nhận, phân loại rác thải đầu nguồn tự động Bà Isabella Hjorth đã chia sẻ với Đoàn về cách thức Chính phủ Thụy Điển hỗ trợ người dân bản địa Sápmi ở khu vực phía Bắc Thụy Điển thích nghi với quá trình chuyển đổi xanh.
Ông Åke Mikaelsson bày tỏ quan tâm của Cơ quan Bảo vệ môi trường Thụy Điển trong triển khai các hoạt động hợp tác với Việt Nam, trong đó có TPHCM. Ông đề nghị hai bên cùng nghiên cứu và xác định các nội dung hợp tác trong thời gian tới; và cho biết Cơ quan Bảo vệ môi trường Thụy Điển có các chương trình hợp tác với các thành phố trên thế giới về phát triển đô thị bền vững. Ông nhất trí về việc đoàn chuyên gia của Cơ quan Bảo vệ môi trường Thụy Điển sẽ sang thăm TPHCM trong năm sau để xúc tiến các hoạt động hợp tác.
Tại buổi làm việc và quan sát thực địa, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải đã cảm ơn các cố vấn cấp cao của Cơ quan Bảo vệ môi trường Thuỵ Điển đã dành thời gian đón tiếp và làm việc với đoàn. Nhân dân Việt Nam ngưỡng mộ đất nước Thụy Điển với nền kinh tế tri thức hướng tới công nghệ cao và một hệ thống phúc lợi xã hội toàn diện, là một trong các quốc gia có mức sống cao nhất thế giới; đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng và sử dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.
Đoàn đại biểu TPHCM tìm hiểu về cách thức vận hành nhà máy thu gom rác bằng công nghệ khí nén Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải đánh giá cao những đóng góp của Cơ quan Bảo vệ môi trường trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Thuỵ Điển, cũng như trong việc hỗ trợ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, đạt được mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường và phát triển bền vững. Lãnh đạo TPHCM mong được lắng nghe những cố vấn cao cấp đại diện các bộ phận khác nhau của Cơ quan Bảo vệ môi trường và là những người am hiểu về Việt Nam giới thiệu về các dự án mà Cơ quan đã và đang thực hiện trong lĩnh vực hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn, từ đó tìm hiểu cơ hội hợp tác giữa TPHCM và Thuỵ Điển trong các lĩnh vực trên.
Đoàn đại biểu TPHCM đã có buổi làm việc với Cơ quan Bảo vệ môi trường Thuỵ Điển * Trước đó, đoàn đại biểu TPHCM đã đến thăm thực địa khu vực Cảng biển Hoàng gia ở Thủ đô Stockholm và khu vực phân loại, thu gom rác thải tại khu vực cảng biển do Tập đoàn Envac vận hành. Đi cùng đoàn có ông Joakim Karlsson, CEO và Chủ tịch của Tập đoàn Envac và ông Örjan Lönngren, cán bộ của Chính quyền Thủ đô Stockholm phụ trách quy hoạch và phát triển Cảng biển Hoàng gia.
Đoàn đại biểu TPHCM tìm hiểu về quá trình quy hoạch và phát triển Cảng biển Hoàng gia Thụy Điển Tại đây, ông Örjan Lönngren đã giới thiệu với Đoàn về quá trình Chính quyền Thủ đô Stockholm lập quy hoạch tổng thể của khu Cảng biển và cộng tác với các nhà đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng của khu. Ông Joakim Karlsson đã trình bày với Đoàn về quá trình Công ty phối hợp với Chính quyền Thủ đô Stockholm và người dân trong việc nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc phân loại rác thải tại nguồn (cơ bản rác thải được phân loại thành 3 dạng: thông thường, nhựa và giấy). Envac lắp đặt các cổng thu gom rác tương ứng với 3 loại rác tại các tòa nhà và các cổng này được kết nối với các đường ống dưới lòng đất để chuyển rác thải trực tiếp đến nhà máy thu gom được vận hành hoàn toàn tự động với công nghệ khí nén. Để mở các cổng này, người dân sẽ sử dụng ứng dụng của Envac, trên cơ sở đó, Envac sẽ có các thông tin về lượng rác thải hàng ngày và thói quen phân loại rác của người dân.