Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

TPHCM: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, liêm chính

Cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tận tâm, tận tụy trong công việc. (Ảnh: Đình Lý)

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường hiệu quả thi hành trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Theo UBND TP, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong muốn; tính tiên phong gương mẫu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm chưa cao. Việc tự phát hiện hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Một số vụ việc, vụ án xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi trong Nhân dân. Tình trạng sa sút phẩm chất, nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ vẫn còn diễn ra tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị. 

Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, yếu kém, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong ngăn chặn, từng bước đẩy lùi vi phạm pháp luật và tội phạm, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, liêm chính và góp phần đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các quy định và văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 

Đồng thời, gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định về quyền và nghĩa vụ của công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đã được quy định tại Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành công vụ. Người đứng đầu phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống “cần, kiệm, liêm, chính", "chí công vô tư", thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện tốt quy chế dân chủ, văn hóa công sở. 

Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch UBND quận - huyện và phường - xã, thị trấn chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự; thực hiện tốt công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định. Xác định công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và đưa vào nội dung kiểm điểm định kỳ của các ngành, các cấp và đưa vào chương trình kiểm tra thường xuyên của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Bên cạnh đó, cần thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ. Đề cao tinh thần trách nhiệm và quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành quy chế làm việc. Nâng cao trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp của viên chức. Quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng và kết quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. 

Văn bản cũng nêu rõ cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm về phòng, chống vi phạm pháp luật kết hợp với chương trình hành động và việc làm cụ thể của mỗi ngành, mỗi cấp, cá nhân, đơn vị, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Đảm bảo thực hiện đủ các giải pháp đồng bộ để phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm theo hướng tăng cường công khai, minh bạch; trách nhiệm đi đôi với khen thưởng; đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. 

Trong chỉ đạo cần lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực thường dễ xảy ra vi phạm pháp luật và tội phạm như: quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản; mua sắm tài sản công; thuế; hải quan; khai thác tài nguyên - khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và công tác tổ chức cán bộ. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Kịp thời xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. 

Đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức, cần tích cực đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng. Tuân thủ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tận tâm, tận tụy trong công việc, giải quyết nhanh chóng, kịp thời yêu cầu chính đáng của tổ chức, công dân. Tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ, công việc được giao. Phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp để nâng cao hiệu quả, chất lượng và đảm bảo tiến độ công việc. 

H. Thảo


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo