Đồng chí Phan Văn Mãi và GS.TS Ngô Văn Lệ chúc mừng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. (Thanhuytphcm.vn) – Sáng 16/9, Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu tổ chức Lễ trao Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 11 năm 2023 cho tác phẩm “Gia Định - Sài Gòn - TPHCM dặm dài lịch sử (1698 - 2020)”của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Đến dự có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.
Công nghiên cứu trên 20 năm
Tác phẩm “Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)” của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư gồm 6 phần chính. Được chia ra 2 tập với mốc thời gian tập I từ 1698 - 1945 và tập II từ 1945 - 2020. Phần dẫn nhập trình bày đại cương về địa lý tự nhiên của Thành phố, về thời đại tiền sử, về thời kỳ phù Nam, về thời kỳ Thủy Chân Lạp và Lưu dân người Việt.
Tác phẩm được xem là công trình dày công nghiên cứu trên 20 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Với niềm đam mê sử học, ông đã tập trung thời gian, sức lực đi khắp các thư viện, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II ở TPHCM để tập hợp tài liệu, hoàn thành đề tài “Gia Định - Sài Gòn - TPHCM” với mong muốn cung cấp bao quát thông tin đến công chúng về lịch sử từ thời đại tiền sử cho đến TPHCM ngày nay.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chúc mừng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư với công trình ý nghĩa, giá trị đã được nhận giải thưởng danh giá, Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, tác phẩm này cùng với các tác phẩm đã được nhận giải Trần Văn Giàu trước đây là những công trình khoa học, nghiêm túc, có giá trị, chứa đựng nhiều tâm huyết dành cho lịch sử, cho văn hóa của cả nước, Nam bộ, và TPHCM.
Đồng chí mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều tác phẩm có giá trị từ các hội, các tổ chức, các viện, trường học, địa phương nhận giải Trần Văn Giàu, để hình thành kho dữ liệu quý, quan trọng giúp cho quá trình nghiên cứu. Từ đó, làm cơ sở cho hoạch định, chiến lược phát triển cũng như đề ra các chính sách cho sự phát triển của TP trong thời gian tới.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết, với tác phẩm “Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)”, ông muốn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể các giai đoạn lịch sử, từ năm 1698 đến năm 2020. “Tóm lại, tác phẩm này ví như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, cán bộ, công chức, mọi gia đình trong TP nên có để khi muốn tìm kiếm một vấn đề gì liên quan đến Thành phố, chỉ việc mở sách ra là được thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa”. – nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ.
Tác phẩm Gia Định - Sài Gòn - TPHCM dặm dài lịch sử (1698-2020)” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Thúc đẩy việc nghiên cứu, biên soạn các tác phẩm viết về vùng đất, con người Nam Bộ
Tại chương trình, GS.TS.Nhà giáo Nhân dân Ngô Văn Lệ, Phó Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu cho biết, Giải thưởng Trần Văn Giàu ra đời năm 2002. Đây là tâm nguyện của Giáo sư Trần Văn Giàu về việc thành lập một giải thưởng khoa học dành cho các công trình nghiên cứu về lịch sử và lịch sử tư tưởng ở khu vực Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và TPHCM.
Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu đã tiến hành xét chọn và trao tặng 10 giải thưởng cho các tác phẩm: Nguyễn Tri Phương (năm 2003); Ruộng đất và địa bạ triều Nguyễn (năm 2005); Lịch sử Nam Bộ kháng chiến chống Pháp (năm 2006); Những di tích khảo cổ học thời văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo ở An - Giang (năm 2009); Lịch sử Nam Bộ kháng chiến chống Mỹ (năm 2010); Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (năm 2011); Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ (năm 2015); Vùng đất Nam Bộ - quá trình hình thành và phát triển (năm 2017); Khảo cổ học Nam Bộ thời tiền sử, sơ sử (năm 2019); Vùng đất Nam Bộ - 10 tập (năm 2020). “Hôm nay, chúng ta vui mừng trao Giải thưởng lần thứ 11 (năm 2023) cho tác phẩm Gia Định – Sài Gòn – TPHCM dặm dài lịch sử (1698-2020) của nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Tư”. – GS.TS Ngô Văn Lệ cho biết.
Các tác phẩm được trao Giải thưởng Trần Văn Giàu là những công trình nghiên cứu có chất lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo tốt và có sức lan tỏa rộng rãi. Các tác giả của những tác phẩm được trao giải cũng rất đa dạng. Từ đó, đã góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu, biên soạn các tác phẩm viết về vùng đất, con người Nam Bộ, góp phần làm giàu thêm tri thức và văn hóa Việt Nam.
Theo GS.TS Ngô Văn Lệ, thời gian tới, Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu sẽ đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá Giải thưởng Trần Văn Giàu trên các phương tiện truyền thông và qua thư ngỏ gửi đến các cơ quan nghiên cứu, trường đại học..., Từ đó, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, nhất là các nhà nghiên cứu trẻ, thuộc các lĩnh vực lịch sử, lịch sử tư tưởng; trên cơ sở đó định hướng các đề tài khoa học đáp ứng được tiêu chí của Giải thưởng Trần Văn Giàu.