Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 phải bảo đảm hiệu quả

Đại biểu Quốc hội Phan Văn Mãi (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Chính phủ đã trình Quốc hội về chương trình này với tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025 - 2030 là 122.250 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình giai đoạn 2025 - 2030 được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng, chiếm 63% (bao gồm vốn đầu tư phát triển 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 27.000 tỷ đồng). Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của Chương trình. Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình. Việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Thảo luận chiều 8/6, các ĐBQH đều đồng tình đầu tư chương trình nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn. Vì chương trình có nguồn lực lớn, đối tượng thụ hưởng rộng, thời gian kéo dài, nhiều nhiệm vụ, mục tiêu… Do đó, các ĐB đề nghị việc triển khai phải nhanh, kịp thời, vì thực hiện chậm sẽ mất nhiều thời gian, hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, vai trò, năng lực của con người thực hiện phải được chú trọng. ĐB Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) cũng đồng ý chương trình nhưng băn khoăn việc chồng chéo, trùng lắp với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, nhất là dự án dành cho bà con dân tộc thiểu số, ĐB cho rằng nên tích hợp về chương trình văn hóa.

Về quá trình triển khai, rút kinh nghiệm từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều địa phương gặp khó khăn, lúng túng, ĐB Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị chương trình này phải nghiên cứu cơ chế triển khai. Việc triển khai nên phân cấp nhiều cho các địa phương để họ linh hoạt, chủ động trong thực hiện; trung ương chỉ nên quản lý mục tiêu và giám sát, còn thực hiện giao địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (trái) phát biểu tại thảo luận tổ Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (trái) phát biểu tại thảo luận tổ

Chương trình cũng dự kiến bao gồm đầu tư xây dựng và hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia. Về điều này, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị cần cân nhắc về tính hiệu quả, nguồn lực.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, phải huy động nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa, thay vì chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước. Để làm được điều này, chúng ta cần thiết kế các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút sự tham gia của toàn xã hội, bao gồm cả các doanh nghiệp văn hóa, đơn vị sự nghiệp công và tư nhân. Ngoài ra, cần có sự đầu tư vào các trung tâm khởi nghiệp, nơi phát triển các ý tưởng và nội dung văn hóa trên nền tảng số.

ĐB Phan Văn Mãi cũng cho rằng, trong phát triển văn hóa cần chú trọng bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Vì đây mới là sức mạnh nội sinh và tạo nên sự khác biệt của văn hóa Việt Nam so với các nền văn hóa khác trên thế giới. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa tầm cỡ khu vực và thế giới cần phải đảm bảo rằng văn hóa dân tộc luôn là nền tảng, lõi của văn hóa Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của văn hóa; đồng thời cho rằng các thiết chế văn hóa phải gần dân, phục vụ được dân. Các thiết chế văn hóa cũng cần được hoàn thiện. Hiện nay, các công trình văn hóa nhiều, di tích nhiều nhưng chưa được phát huy, do đó thời gian tới phải phát huy tốt hơn thì mới thu hút được khách du lịch. Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, nguồn lực triển khai chương trình cũng phải tính toán kỹ, vì hiện chúng ta đang có cùng lúc nhiều chương trình phải làm. Thủ tục thực hiện cũng phải nhanh, không được chậm trễ. Đầu tư các công trình văn hóa phải vì mục tiêu phục vụ dân, không phải xây xong rồi không ai đến. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, văn hóa là sức mạnh rất quan trọng để tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, bộ máy, con người thực hiện phải bảo đảm năng lực.

Sau phiên làm việc ngày 8/6, từ ngày 9/6, Quốc hội nghỉ họp. Đợt 2 của kỳ họp sẽ bắt đầu lại từ ngày 17/6.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo