Quân dân Củ Chi đón nhận danh
hiệu “Đất Thép Thành Đồng” năm 1967 (Thanhuytphcm.vn) - Những năm chiến tranh, Củ Chi - mảnh đất cửa
ngõ phía Tây Bắc của TPHCM được mệnh danh là pháo đài thép của cách mạng.
Đế quốc Mỹ đã trút xuống đây 500.000 tấn bom đạn và tiến hành hàng
ngàn trận bố ráp, giày xéo; nhưng với ý chí kiên cường, đánh đổi cả xương máu,
chính quyền và nhân dân Củ Chi vẫn kiên cường bám trụ đánh giặc.
Mảnh đất anh hùng
Cuộc chiến trong lòng đất của quân và dân Củ
Chi - kỳ tích có một không hai, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng
cách mạng trong thế kỷ 20, đã ghi vào lịch sử dân tộc và nhân loại. Củ
Chi đã có hàng ngàn dũng sĩ diệt Mỹ, 33 Anh hùng Lực lượng
vũ trang nhân dân, 2.064 Mẹ Việt Nam Anh hùng (91 Mẹ hiện còn sống).
Sau chiến tranh, Củ Chi có gần 11.000 liệt sĩ,
trên 2 ngàn thương binh và bệnh binh, trên 10 ngàn gia đình liệt sĩ và gia đình
có công với cách mạng. Đổ bao mồ hôi, xương máu và cả nước mắt, quân, dân
Củ Chi đã dệt nên bản anh hùng ca bất diệt về tinh thần quật khởi trong
kháng chiến đấu tranh giải phóng dân tộc và xứng danh là Đất thép thành đồng, là
huyện Anh hùng.
Sau chiến tranh, Củ Chi không còn
nơi nào lành lặn, nền kinh tế thuần nông càng trở nên lạc hậu, ruộng
chỉ canh tác được một vụ lúa vào mùa mưa với năng suất thấp (dưới 2 tấn/ha). Lực
lượng lao động, trâu bò cày kéo, vật tư nông nghiệp khan hiếm nên đời
sống người dân rất cơ cực.
Với tư duy và sự nhạy bén của chính quyền và
nhân dân nơi đây, giờ đây, Củ Chi đã có nhiều đổi thay: Đường
xuyên Á rộng 6 làn xe nối trung tâm TPHCM với trung tâm huyện Củ Chi; đường
liên thôn, liên xã trải nhựa, bê tông phẳng lỳ; đồng hoang mông quạnh, nhà
tranh vách đất xưa kia nay đã là những xóm làng trù phú,
cây cối xanh tươi với những ngôi nhà kiên cố, khang trang... Điều đáng tự hào,
trong giai đoạn từ năm 1994 đến năm 2004, Củ Chi vinh dự đón nhận
danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Năm 2015, Củ Chi
là huyện ngoại thành đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận huyện
nông thôn mới…
Đó là thành quả của sự đồng thuận
giữa chính quyền và người dân địa phương. Việc tập trung đổi mới
phương thức lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác bám nắm cơ sở, kịp thời tháo
gỡ những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của nhân dân đã giúp chuyển dịch cơ
cấu kinh tế của huyện đi đúng hướng. Chủ trương của huyện phải lấy niềm
tin của dân làm thước đo cho công việc; Đảng đóng vai trò then chốt trong lãnh
đạo, chỉ đạo tất cả các lĩnh vực.
Tiếp tục tiên phong đổi mới
Củ Chi ngày nay đã có 117 đồ án quy hoạch khu
dân cư đô thị, khu dân cư nông thôn, khu công nghiệp cùng 2.000ha vườn cây ăn
trái ven sông Sài Gòn, 180ha hoa lan, 3.000ha rau an toàn và hơn 70 ngàn con bò
sữa cung cấp cho thị trường gần 600 tấn sữa/ngày… trong đó, 1ha hoa
lan thu lợi 700 triệu đồng/năm, 1ha rau an toàn thu lợi 480 triệu đồng/năm. Riêng
năm 2016, huyện đã thu hút gần 400 doanh nghiệp về đầu tư, nâng tổng số
doanh nghiệp trên địa bàn lên gần 2.750 doanh nghiệp; tổ chức gặp gỡ đối thoại,
kết nối giải ngân vốn ưu đãi hơn 800 tỷ đồng (đạt 148% kế hoạch); hình thành
chuỗi liên kết sản xuất giữa người nông dân với doanh nghiệp như: bao tiêu sản
phẩm rau an toàn, sữa; hỗ trợ 3.600 hộ vay sản xuất nông nghiệp hơn 1.100
tỷ đồng…
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân từng bước
được nâng lên. Huyện đã nỗ lực đưa nước sạch về cho dân sử dụng, quan tâm công
tác y tế, sức khỏe cộng đồng, chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, Bệnh viện huyện
Củ Chi được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế nâng cao trình độ y đức, thái
độ phục vụ nhân dân;100% người dân biết chữ; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt
58,66% (trong đó 25% là nữ); tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục đạt
từ 93% trở lên; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cở sở tiếp tục học trung học
(phổ thông, bổ túc, trường nghề) đạt 96,13%.
Câu chuyện về mảnh đất Củ Chi anh
hùng ngày càng được nhiều người biết đến. Đảng bộ, chính quyền địa phương
đã và đang thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; đã xây 4.459 căn
nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách; phụng dưỡng 100% Bà Mẹ Việt Nam Anh
hùng. Việc chăm lo gia đình thương binh, bệnh binh luôn được thực hiện với
nghĩa tình và trách nhiệm cao, tiếp thêm nghị lực, giúp rất nhiều thương binh,
bệnh binh vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn.
Nhân dân và chính quyền đang quyết tâm xây dựng
Củ Chi thành huyện văn hóa nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình, xứng
đáng với địa phương 2 lần anh hùng.
Củ Chi ngày nay đã tiến một bước dài với nhiều
chuyển biến diệu kỳ, từng năm rồi từng tháng đã thực sự thay da đổi thịt, năng
động, sáng tạo, nghĩa tình. Đó là vì Củ Chi luôn quán triệt, nắm vững chủ
trương của Đảng, bám sát thực tiễn, tìm trong thực tiễn lời giải cho những vấn
đề phát sinh, không ngừng đổi mới, thử nghiệm thí điểm cách làm mới, mô hình mới
trên bước đường xây dựng quê hương.
Trung tâm Củ Chi ngày hôm nay Để xứng đáng là “Đất thép thành
đồng”, xứng đáng với nghĩa tình sâu nặng của Thành phố luôn bên cạnh Củ Chi và
cả nước luôn hướng về đất Anh hùng Củ Chi, lãnh đạo Củ Chi tiếp tục tiên
phong đổi mới, bám sát thực tiễn; xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm
chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; đảng viên gương mẫu, đi đầu; cán bộ,
công chức hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.