Thứ Sáu, ngày 13 tháng 9 năm 2024

Từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ

Đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ phát biểu tại Hội nghị.

(Thanhuytphcm.vn) – Việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập đã giải quyết được một số hạn chế; đồng thời là hướng đi tất yếu, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ... Đó là một số ý kiến đưa ra tại Hội nghị tổng kết Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương năm 2022 và triển khai tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng và tương đương năm 2024 do UBND TPHCM tổ chức ngày 6/8.

Giải quyết được một số hạn chế trong tuyển chọn lãnh đạo, quản lý

Thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có 3 thí sinh trúng tuyển vào vị trí Phó Hiệu trưởng các trường THPT. Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, có thể khẳng định rằng, việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn TPHCM đã giải quyết được một số hạn chế trong việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý hiện nay. Cụ thể những hạn chế là thiếu tính cạnh tranh; chưa tạo được động lực để cán bộ, công chức, viên chức trẻ được đào tạo cơ bản, có năng lực, sáng tạo trong công tác có ý chí rèn luyện, phấn đấu; chưa có sự đột phá trong việc lựa chọn cán bộ trẻ để đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với đó, một số đơn vị còn có tư tưởng về bệnh “kinh nghiệm”, tư tưởng “có lên mà không có xuống” nên một số cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi được bổ nhiệm còn hạn chế về năng lực, thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện về chuyên môn và phẩm chất đạo đức.

Trong tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương năm 2022, Sở Công thương TP đã hoàn thành công tác thi tuyển đối với 4 vị trí chức danh. “Có thể thấy, việc đổi mới phương thức tuyển chọn công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bằng hình thức thi tuyển là hướng đi tất yếu, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, góp phần lựa chọn được những người “có đức, có tài”, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị” – Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, trong quy trình thực hiện công tác thi tuyển, Sở Công thương TP còn chưa có nhiều kinh nghiệm và còn bị động từ khâu chuẩn bị đến khâu tổ chức thi, dẫn đến chưa đảm bảo đúng theo tiến độ đề ra. Sở nhận thức đây là kỳ thi quan trọng và thí điểm đầu tiên của TP, do đó trong công tác xây dựng và phê duyệt bộ đề thi, Sở Công thương mong muốn đầu tư xây dựng ngân hàng đề thi và chủ đề trình bày Đề án ngang tầm với tính chất của kỳ thi, tuy nhiên vẫn ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan, công tác tổ chức còn chậm so với các đơn vị cùng tổ chức. Bên cạnh đó, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý tại chỗ của Sở đa phần trẻ tuổi, chưa dày dặn kinh nghiệm nên còn tâm lý e ngại khi đăng ký tham gia dự tuyển, do đó gây khó khăn cho công tác vận động công chức, viên chức tham gia dự tuyển.

Qua thực tiễn thực hiện Đề án thí điểm, Sở Công thương đề xuất cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn các tình huống có thể xảy ra khi tổ chức thi tuyển, như trường hợp có nhiều ứng viên có số điểm cao bằng nhau hoặc trường hợp trước giờ tổ chức thi tuyển các ứng viên xin rút, chỉ còn một ứng viên dự thi tuyển. Từ đó, giúp công tác tổ chức thi tuyển được chủ động hơn, tránh tình trạng lúng túng khi chưa có hướng dẫn để làm cơ sở thực hiện.

Đồng chí Tăng Chí Thượng phát biểu tại Hội nghị. Đồng chí Tăng Chí Thượng phát biểu tại Hội nghị.

Kịp thời đáp ứng nhu cầu bổ sung nhân sự

Sau 18 tháng được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM qua thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, Bác sĩ Lê Anh Tuấn chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ vai trò là Giám đốc Bệnh viện Mắt TP, tôi cảm nhận nhiều người hoài nghi một người không có chuyên môn về nhãn khoa mà làm Giám đốc Bệnh viện Mắt có quy mô lớn nhất khu vực phía Nam, có số lượng bệnh nhân lớn nhất cả nước, không biết có giúp bệnh viện vượt qua giai đoạn khó khăn được không?”.

Theo Bác sĩ Lê Anh Tuấn, sau khi nhận nhiệm vụ, đã làm việc ngay với Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện Mắt TP để bàn bạc, thảo luận, ban hành quy chế hoạt động của Đảng ủy, Ban Giám đốc; quy chế phối hợp một cách công khai, minh bạch, rõ ràng. Cùng với đó là xây dựng lại toàn bộ quy trình của bệnh viện, từ phân công, phân nhiệm cho các tổ chuyên gia, tổ mời thầu, tổ thẩm định và trách nhiệm của từng cá nhân để cán bộ không e ngại tham gia, cán bộ chỉ chịu trách nhiệm phần việc của mình. Với sự sát cánh của Tổ hỗ trợ Sở Y tế, bước đầu Bệnh viện Mắt TPHCM đã vượt qua khó khăn; ổn định về tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ chủ chốt, của Đảng ủy, Ban Giám đốc và cán bộ tham gia tổ chức đấu thầu. Hoạt động lâm sàng đảm bảo, thậm chí còn tăng cao hơn so với trước dịch. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 3.500 - 4.000 bệnh nhân đến khám, khối lượng phẫu thuật là từ 650 - 750 ca. Năm 2023, bệnh viện đã đăng ký với Bộ Y tế 5 kỹ thuật chuyên khoa sâu lần đầu tiên ở Việt Nam, trong đó có 2 kỹ thuật đã được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép.

Chia sẻ về thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý với Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết: “Việc lựa chọn và bổ nhiệm chức danh Giám đốc Bệnh viện Mắt từ việc tổ chức thi tuyển công khai bước đầu đã mang lại những thay đổi tích cực cho đơn vị và là một hình thức cần khuyến khích thực hiện nhiều hơn, sâu rộng hơn nhằm kịp thời đáp ứng được nhu cầu bổ sung nhân sự lãnh đạo, quản lý có chất lượng, đặc biệt đối với các đơn vị đang có biến động, khó khăn hoặc chưa có nguồn nhân sự kế cận để bổ nhiệm”.

Tuy nhiên, đại diện Sở Y tế TP cho biết, công tác tổ chức thi tuyển vẫn còn một số khó khăn. Trong đó, theo quy định đối với các cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn mà do cấp ủy lãnh đạo toàn diện thì phải có ít nhất 70% số thành viên trong Ban Thường vụ cấp ủy (hoặc Ban lãnh đạo trong trường hợp không do cấp ủy lãnh đạo toàn diện) tham gia Hội đồng thi tuyển. Quy định này có thể làm hạn chế việc mời các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về chuyên ngành, lĩnh vực của người tham gia Hội đồng thi tuyển.

Đồng chí Lê Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Đồng chí Lê Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Cùng với đó, việc quy định người đăng ký tham gia thi tuyển nếu không thuộc đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn, phải được tập thể lãnh đạo có đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử, dẫn tới khó khăn cho những người ở cơ quan khác muốn đăng ký thi tuyển nhưng không được tập thể lãnh đạo cơ quan tuyển chọn đề cử. Quy định này hạn chế nguồn bên ngoài dẫn tới mục tiêu mở rộng nguồn ứng viên tham gia thi tuyển.

Sở Y tế TPHCM kiến nghị, cần có quy định rõ hơn về tiêu chuẩn, cơ cấu Hội đồng thi tuyển, tăng tỷ lệ thành viên Hội đồng thi tuyển là các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về chuyên môn tham gia Hội đồng thi tuyển. Cùng với đó là nghiên cứu bỏ quy định người đăng ký tham gia thi tuyển nếu không thuộc đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn thì phải được tập thể lãnh đạo của đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử để tạo điều kiện cho những người ở cơ quan khác muốn đăng ký thi tuyển.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo