Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Từng bước đưa việc quản lý, sử dụng nhà, đất công vào nền nếp

Đồng chí Phan Thị Bình Thuận báo cáo tại Hội nghị.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 23/2, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM phối hợp UBND TPHCM tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thực trạng, kinh nghiệm và cách làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 11/11/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM.

Tham dự về phía Ủy ban Kiểm tra Trung ương có đồng chí Lê Tấn Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Địa bàn VII, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Về phía TPHCM tham dự có các đồng chí: Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Cơ bản đã khắc phục những tồn tại, hạn chế

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Phan Thị Bình Thuận cho biết, qua 4 năm thực hiện Chỉ thị số 24, công tác quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP cơ bản đã khắc phục những tồn tại, hạn chế trước đây và đạt được một số kết quả.

Trong đó, đã tổng hợp được số liệu kiểm kê, rà soát đối với các loại đất, nhà, công trình và tài sản khác gắn liền với đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng. Cùng với đó, đã đánh giá được tổng thể thực trạng, hiệu quả mô hình quản lý nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP; tháo gỡ nhiều vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng và bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, giúp TP có kế hoạch bố trí, sử dụng nhà, đất cho các cơ quan, đơn vị làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án đầu tư xây dựng và các chính sách về nhà ở đảm bảo cho công tác quản lý được chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định và giải quyết các tồn đọng trong thời gian qua.

Đồng chí Phan Văn Mãi cùng các đại biểu tham dự Hội nghị. Đồng chí Phan Văn Mãi cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.

Bên cạnh đó, qua thực hiện đã phát hiện những bất cập của cơ chế, chính sách, văn bản, quy định của Nhà nước và các khó khăn, vướng mắc về quản lý, sử dụng nhà, đất, từ đó ban hành bổ sung các văn bản quy định, hướng dẫn; đồng thời, phối hợp, làm việc trực tiếp, kiến nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc quản lý, sử dụng, khai thác nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý để xử lý phù hợp với thực tiễn; đã tổng hợp và hệ thống được số lượng, hồ sơ pháp lý nhà, đất do các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng trên địa bàn TP, thuận tiện cho Ban Chỉ đạo 167 TP trong việc theo dõi, báo cáo cơ quan cấp trên theo yêu cầu. Từng bước đưa việc quản lý, sử dụng nhà, đất công vào nền nếp, tách biệt được giữa nhà ở, đất ở với công sở, nhiều cơ sở nhà đất chuyển giao cho ngành nhà đất địa phương quản lý để xử lý theo quy định.

Đồng chí Phan Thị Bình Thuận cho biết, thông qua sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, ngoài việc huy động nguồn lực to lớn từ nhà, đất để bổ sung nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển, việc thực hiện chính sách này còn huy động được nguồn vốn từ các nhà đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch của TP với nhiều dự án xây dựng chung cư, văn phòng cho thuê, khách sạn, thương mại - dịch vụ..., góp phần chỉnh trang đô thị mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Cũng theo đồng chí Phan Thị Bình Thuận, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng, cơ quan chức năng về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP đã được tăng cường, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trong quá trình thực hiện, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Song song đó là phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước để kịp thời phát hiện, phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với nhà, đất công.

Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị

Cũng tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Phan Thị Bình Thuận đã nêu bật các bài học kinh nghiệm khi thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU. Theo đó, công tác quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 24 phải được tập trung thực hiện đồng bộ, kịp thời với quyết tâm chính trị cao nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức về mục đích, tầm quan trọng của công tác kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Kịp thời nghiên cứu, xây dựng văn bản nhằm cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị số 24, xác định cụ thể nội dung, đối tượng thực hiện, có lộ trình cụ thể phù hợp với tình hình, thực trạng của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Một trong những nội dung khác là các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội cần đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức quán triệt, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 24 và các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo có liên quan để tạo sự đồng thuận, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước.

Đồng chí Phan Thị Bình Thuận cũng nhấn mạnh, qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 24 cần nâng cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy; tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan; phát huy tinh thần trách nhiệm, tính tích cực, chủ động của đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả về quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước. Phân công cụ thể nhiệm vụ của từng tổ chức, cấp ủy trực thuộc; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện đúng tiến độ, tiêu chí đã đề ra. Những nội dung vướng mắc phát sinh cần kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền, đề xuất cụ thể giải pháp xử lý và tích cực phối hợp, đeo bám thường xuyên để giải quyết có kết quả.

Cùng với đó là phải thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 24; các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương phải được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thường xuyên; đồng thời phát huy vai trò giám sát của mặt trận, đoàn thể; lắng nghe ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân để đánh giá đúng tình hình việc triển khai, thực hiện; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo