Đồng chí Phan Văn Mãi trình các tờ trình của UBND TP tại kỳ họp. (Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khoá X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, sáng 18/4, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã trình bày 16 tờ trình của UBND TP liên quan đến công tác đầu tư công, mức thu phí…
Cụ thể, tờ trình về công tác đầu tư công là chủ trương đầu tư một số dự án (6 dự án); điều chỉnh chủ trương, tăng tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện một số dự án (6 dự án); về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng trung hạn vốn ngân sách địa phương (lần 3); về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách địa phương.
Cụ thể như tờ trình xin chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 trạm y tế tuyến xã với tổng vốn 296 tỷ đồng. Dự án thực hiện từ năm 2023 - 2025, cải tạo, sữa chữa các trung tâm y tế và trạm y tế xuống cấp tại TP Thủ Đức và 19 quận, huyện (trừ Quận 7).
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, trong những năm gần đây, sự quá tải bệnh viện ngày càng lớn, gây khó khăn, bức xúc cho người bệnh và cả cán bộ y tế, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trên, một số nhóm chuyên khoa. Quá tải bệnh viện được các y văn thế giới chứng minh là nguyên nhân dẫn tới giảm chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc người bệnh, thời gian điều trị kéo dài. Do đó, việc đầu tư dự án trên là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao cơ sở vậy chất y tế cơ sở tuyến huyện, xã, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trong tình hình mới.
Ở lĩnh vực giao thông, đồng chí Phan Văn Mãi cũng cho biết, UBND TP xin chủ trương đầu tư đối với dự án Nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên Quốc lộ 13 với tổng vốn hơn 133 tỷ đồng; dự án Nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 trên Quốc lộ 1 với tổng vốn 111 tỷ đồng, từ ngân sách TP.
Đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định việc nâng tĩnh không cầu Bình Triệu và cầu Bình Phước 1 là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu quy hoạch hạ tầng đường thủy, tiêu chuẩn Quốc gia về phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa đối với tuyến đường thủy quốc gia sông Sài Gòn đạt tối thiểu 7m.
Đồng thời, giảm thiểu nguy cơ phương tiện giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn va xô vào hệ dầm và mặt cầu đảm bỏa an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và khai thác tối đa tiềm năng, tăng cường kết nối vùng, góp phần chia sẻ, giảm bớt áp lực giao thông đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bên cạnh đó, UBND TP cũng có tờ trình về quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp đường Cao Lỗ, phường 4, Quận 8. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, từ năm 2015, HĐND TP đã cho chủ trương đầu tư nâng cấp đường Cao Lỗ với quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 297 tỷ đồng. Vào năm 2017, dự án được khởi công, khối lượng đạt 70%. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng nên đã dừng thi công từ nă 2020 đến nay.
Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết do công tác bồi thường gặp nhiều khó khăn nên chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dự án tăng, chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật phát sinh. Do đó, UBND TP kiến nghị HĐND TP điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ hơn 297 tỷ đồng lên hơn 395 tỷ đồng. Đồng thời, điểu chỉnh tên chủ dự án từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Quận 8 thành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Quận 8; thời gian thực hiện đến năm 2025. “UBND TP có đủ nguồn vốn ngân sách TP trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cho dự án”- đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định.
Đối với tờ trình về mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, hiện tại TPHCM vẫn áp dụng mức thu phí theo nghị quyết được ban hành từ năm 2017. Mức thu này mới chỉ áp dụng với 33% đối tượng và khối lượng công việc thẩm định, 67% đối tượng và khối lượng công việc còn lại vẫn chưa có mức thu. Ngoài ra, mức thu cũ cũng chưa bảo đảm được mức chi cơ bản và thiếu đối tượng phải thu theo quy định mới của Bộ Tài chính.
Nghị quyết mới của TPHCM về thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được bổ sung thêm các trường hợp cấp lần đầu, cấp mới, cấp đổi, cấp lại và các loại biến động thay vì chỉ áp dụng với trường hợp giao, cho thuê đất, chuyển nhượng đất như trước đây.
Ngoài đối tượng áp dụng là hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, TPHCM bổ sung thêm các cơ quan, cơ sở tôn giáo. Trong trường hợp thẩm định hồ sơ để chuyển nhượng, các hộ gia đình, cá nhân cần đóng mức phí 1.010.000 đồng - 1.400.000 đồng thay vì 650.000 đồng - 950.000 đồng như trước đây. TPHCM cũng bổ sung đối tượng là cộng đồng dân cư vào nhóm phải đóng loại phí này. Các tổ chức phải đóng 1.800.000 đồng - 2.250.000 đồng khi thẩm định hồ sơ để chuyển nhượng thay vì mức phí 950.000 đồng - 1.650.000 đồng như trước đây. TPHCM bổ sung đối tượng là cơ quan, cơ sở tôn giáo vào nhóm phải đóng loại phí này.
Đầu tư Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định
Tại kỳ họp này, UBND TP cũng có tờ trình về quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn – Gia Định (giai đoạn 3). Theo đó, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 - 2018 thành 2023 - 2025. Trước đó, năm 2015, HĐND TP đã thông qua quyết định chủ trương dự án này nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và lịch sử đấu tránh của nhân dân qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dự án có quy mô 13,5ha với tổng mức đầu tư hơn 110 tỷ đồng tại Củ Chi. Lý do dự án chưa thực hiện được là do quá trình lấy ý kiến của Hội đồng nghệ thuật kéo dài; cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách của TP cho giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 tại thời điểm đó còn khó khăn.