Thứ Hai, ngày 27 tháng 1 năm 2025

Ứng dụng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong doanh nghiệp: Đạo đức - Sáng tạo và Phát triển

Kỹ sư trẻ Nguyễn Minh Hoàng, Tổ trưởng Tổ Phát triển ứng dụng Phòng công nghệ thông tin của Công ty Cổ phần Cấp nước Nhà Bè cùng đồng nghiệp tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

(Thanhuytphcm.vn) - Mục đích của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh chính là góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc và giáo dục truyền thống yêu nước; xây dựng lối sống tích cực, nhân văn và trách nhiệm trong cộng đồng; tạo môi trường để học tập và thực hành tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Riêng tại TPHCM, thời gian qua, đã xuất hiện nhiều mô hình hay từ việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, được xây dựng không chỉ ở các khu phố, khu nhà trọ, cơ quan, đơn vị mà còn được lan tỏa trong các doanh nghiệp. Và từ không gian văn hóa này đã khơi dậy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh trong môi trường doanh nghiệp, gắn vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, góp phần mang lại sự phát triển bền vững.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong sản xuất kinh doanh

“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” không chỉ giới hạn trong các công trình, di tích liên quan đến Bác mà còn là một khái niệm mở rộng, thể hiện tinh thần học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong mọi lĩnh vực của đời sống. Trong doanh nghiệp, khái niệm này được cụ thể hóa thông qua việc lấy tư tưởng Hồ Chí Minh về “dân làm gốc” làm kim chỉ nam, các doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc tôn trọng người lao động, khuyến khích sáng tạo và tạo điều kiện để mọi thành viên phát huy tối đa năng lực. Học tập phong cách lãnh đạo của Bác - giản dị, gần gũi, quyết đoán nhưng luôn thấu hiểu và vì lợi ích chung.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM đã thành công trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh với hình thức đặt không gian tại nhà máy, nhà xưởng, nơi làm việc trực tiếp của người lao động để qua đó giúp xây dựng một môi trường làm việc nhân văn, nơi mà mỗi cá nhân đều được tôn trọng, hỗ trợ để phát triển toàn diện. Nhân viên không chỉ làm việc vì lợi ích kinh tế mà còn gắn bó với doanh nghiệp nhờ ý nghĩa lớn lao mà họ cảm nhận được từ văn hóa tổ chức.

Có thể kể như ở Công ty TNHH Eland Việt Nam trụ sở hoạt động ở huyện Củ Chi, có 100% vốn Hàn Quốc. Từ nhiều tháng nay, phòng trang trí sản phẩm mẫu của công ty có diện tích 50m2 được Ban Giám đốc công ty, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở thiết lập không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Tại không gian này có cả giá trị về vật thể và phi vật thể bao gồm 200 hình ảnh, đầu sách, tác phẩm, tư liệu về Bác Hồ, Bác Tôn, sách pháp luật, văn học, tâm lý... được trưng bày. Theo chia sẻ từ bà Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở công ty, tất cả nguồn tư liệu này do tập thể công ty đóng góp, sưu tầm. “Hằng ngày, công ty phát loa tuyên truyền xuống tận nhà xưởng để từng công nhân, người lao động hiểu hơn về những đức tính quý của Bác và ứng dụng vào từng công đoạn sản xuất mà mình đảm trách, từ đó nâng cao tính hiệu quả trong công việc. Cách làm này góp phần đưa tư tưởng của Bác đến gần hơn với người lao động”. - bà Hà cho biết thêm.

Công nhân công ty TNHH Eland Việt Nam tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được thiết lập trong khu nhà xưởng công ty. Công nhân công ty TNHH Eland Việt Nam tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được thiết lập trong khu nhà xưởng công ty.

Hay như mới đây, không gian văn hóa Hồ Chí Minh được chính thức thành lập tại huyện Hóc Môn trong khuôn viên nhà máy Công ty cổ phần Tiến Đồng. Hàng trăm tư liệu về Bác đã được trưng bày trang trọng. Giờ nghỉ trưa, giờ tan ca đều có đông công nhân lao động ghé qua tham quan tìm đọc những thông tin, bài viết, hình ảnh, sách báo nói về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Công nhân Dương Trí Tâm cho hay, anh rất thích đọc những tư liệu nói về Bác Hồ với giai cấp công nhân. Nhờ không gian văn hóa này, anh Tâm đã biết rằng trong bài nói chuyện tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II vào tháng 2/1961, Bác Hồ đã nói: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Phải nhận ra rằng đại đa số công nhân ta đều cần cù, thông minh và có nhiều sáng kiến hay...”.Chính vì vậy là công nhân trực tiếp sản xuất, bản thân anh luôn phấn đấu làm tốt nhất công việc của mình để nâng cao năng suất tại nhà máy”. - anh Tâm bộc bạch.

Hay như “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh” và tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng được xây dựng tại khu lưu trú công nhân Hiệp Phước cũng là một cách tạo sự đoàn kết, gắn bó và khích lệ công nhân khu lưu trú xây dựng nơi sống và sinh hoạt văn minh, nghĩa tình. Khu lưu trú này hiện có 550 công nhân sinh sống, 80% trong số đó là các gia đình công nhân làm việc tại KCN Hiệp Phước. Công nhân Lê Văn Khá - Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Hai Thanh, sống ở tầng 1 khu lưu trú cho biết: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đặt tại khu lưu trú sẽ rất thuận tiện để bản thân cùng gia đình anh chị em công nhân đang sinh sống tại đây có điều kiện để tham quan, đọc sách, tìm hiểu thông tin về Bác Hồ, về Bác Tôn. Từ đó vận dụng những đức tính của hai Bác vào trong chính công việc và cuộc sống hằng ngày của mình”.

Ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM cho biết: “Đây là không gian văn hóa Hồ Chí Minh đầu tiên đặt tại khu lưu trú Hiệp Phước. Công đoàn KCX-CN mong muốn loại hình này sẽ tiếp tục được lan tỏa triển khai ở các khu công nghiệp khác trên địa bàn TP. Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với trưng bày hình ảnh Bác Tôn tại khu lưu trú để công nhân hiểu thêm về Bác Tôn, về tổ chức công đoàn. Công đoàn KCX-CN vận động các công đoàn cơ sở tặng thêm các đầu sách theo chủ đề làm mới không gian văn hóa. Bên cạnh đó là xây dựng góc tuyên truyền về pháp luật để công nhân cập nhật kiến thức, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp”.

Công nhân Lê Văn Khá - Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Hai Thanh tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, Khu lưu trú công nhân Hiệp Phước. Công nhân Lê Văn Khá - Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Hai Thanh tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, Khu lưu trú công nhân Hiệp Phước.

Kim chỉ nam để xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhân văn và bền vững

Ông Hứa Quốc Hưng, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các KCX-CN TPHCM cho biết: Thực hiện thí điểm việc xây dựng mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại một số chi bộ ngoài nhà nước có đông công nhân lao động, từ trong phong trào học tập và làm theo Bác, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiên tiến, điển hình, thực sự có sức lan tỏa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khơi dậy tình cảm, động lực, tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và mong muốn cống hiến, đóng góp sức mình cho việc phát triển các doanh nghiệp và phát triển KCX-CN TP. Đặc biệt, thông qua không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại doanh nghiệp cũng sẽ góp phần xây dựng lực lượng, tạo nguồn phát triển đảng trong công nhân trực tiếp sản xuất.

Theo kết quả thống kê của tổ chức công đoàn TP, tính đến nay, có khoảng 4.000 công đoàn cơ sở, 4 khu nhà trọ công nhân, 144 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và tương đương, Công đoàn cơ sở trực thuộc toàn diện đã xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với cách làm sáng tạo quy tụ nhiều sách báo, tư liệu quý về Bác giới thiệu đến đoàn viên, công nhân lao động.

Những phong trào này không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, động viên công nhân. Có thể kể đến như phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” giúp công nhân tự tin hơn trong việc đề xuất cải tiến quy trình, sáng kiến kỹ thuật, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp. Phong trào thi đua “Làm theo lời Bác” giúp công nhân phát huy tinh thần sáng tạo, cải tiến công việc, đồng thời xây dựng đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm trong công việc.

Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Thủy sản, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc với tấm bảng đồ số “Theo dấu chân Bác”. Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Thủy sản, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc với tấm bảng đồ số “Theo dấu chân Bác”.

Điển hình như Kỹ sư trẻ Nguyễn Minh Hoàng, Tổ trưởng Tổ Phát triển ứng dụng Phòng công nghệ thông tin của Công ty Cổ phần Cấp nước Nhà Bè. Qua học tập Bác, Hoàng đã có rất nhiều sáng kiến được ghi nhận, có thể kể đến như sáng kiến “Chương trình Dashboard phân tích báo cáo số liệu sản xuất kinh doanh”. Với sáng kiến này đã xây dựng một hệ thống báo cáo số liệu kinh doanh hàng ngày của đơn vị một cách chuyên nghiệp, số liệu báo cáo chính xác, đầy đủ và tức thời, số liệu mang tính nhất quán, có thể truy vấn bất cứ lúc nào và bất kỳ nơi đâu.

“Giải pháp đã giúp tiết kiệm số giờ công lao động và hàng tỷ đồng văn phòng phẩm mỗi năm. Hay như sáng kiến cập nhật dữ liệu số và đăng ký định mức nước tại nhà cho khách hàng. Có được những sáng kiến này chính là từ phát huy tính tiên phong gương mẫu đi đầu của người đảng viên và tinh thần học tập và làm theo tấm gương của Bác” - Kỹ sư trẻ Nguyễn Minh Hoàng cho hay.

Thật vậy, con số gần 162.000 mô hình sáng kiến làm lợi, mang lại giá trị 3.400 tỷ đồng tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã minh chứng cho tính hiệu quả của các phong trào thi đua làm theo lời Bác trên địa bàn TPHCM. Qua đó, cũng đã có hơn 50.000 tập thể và cá nhân được tuyên dương khen thưởng vì có những thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Và cũng từ đây đã xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Đây là con đường thiết thực để doanh nghiệp không chỉ phát triển kinh tế mà còn góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Dũng Tiến


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo