Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự thảo Nghị quyết bổ sung, hoàn thiện các lĩnh vực ưu tiên đầu tư phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030. Theo đó, tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các chương trình, dự án: chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án kết nối, có tác động liên vùng, dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; chương trình, nhiệm vụ, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tư pháp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng nguyên tử, hạ tầng số, vi mạch bán dẫn, giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chuyển đổi xanh.
Đối với ngân sách địa phương, dự thảo nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách địa phương theo hướng tập trung đầu tư vào các công trình, dự án có tính liên tỉnh, liên huyện; đầu tư tập trung, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có tính lan tỏa cao; bảo đảm không dàn trải, manh mún.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính-Ngân sách lưu ý, đối với vốn nước ngoài, dự thảo cần bổ sung quy định rõ hơn việc phù hợp với kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm; quy định ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, các dự án đủ điều kiện bố trí vốn... Ủy ban đề nghị Chính phủ ưu tiên phân bổ vốn ODA, vốn vay nước ngoài cho những dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn tác động đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, dự án gắn với chuyển giao công nghệ cho Việt Nam đối với những lĩnh vực quan trọng mà nước ta chưa làm và chưa làm chủ công nghệ. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung việc bố trí vốn để phục vụ thúc đẩy tự động hóa, ứng dụng thành tựu 4.0 và nghiên cứu bố trí nguồn cho quỹ hỗ trợ đầu tư…
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cần khắc phục cho được việc phân bổ nguồn vốn dàn trải, không hiệu quả; đảm bảo việc phân bổ hợp lý giữa những ngành, lĩnh vực; rà soát các tiêu chí để đảm bảo ưu tiên sử dụng vốn đầu tư công và tiêu chí phải được so sánh định mức, mức độ cấp thiết, tính hiệu quả của dự án đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng... Ngoài ra, cần ưu tiên bố trí vốn, tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Chiều cùng ngày, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo đó, bộ máy làm việc của VKSNDTC được sắp xếp lại theo đúng quy định pháp luật và theo Kết luận của Bộ Chính trị, gồm 24 đơn vị, trong đó có sáp nhập và sắp xếp lại một số đơn vị cấp Vụ, giảm 3 đầu mối cấp Vụ. Trong đó, sáp nhập Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) và Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5), tên đơn vị sau sáp nhập là “Vụ công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng”; sáp nhập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TPHCM, tên đơn vị sau sáp nhập là “Trường Đại học Kiểm sát”, có Phân hiệu Trường Đại học Kiểm sát tại TPHCM.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp.UBTVQH cũng cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự thảo Pháp lệnh gồm 6 chương, 35 điều, quy định về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; quản lý, bảo vệ các công trình, khu vực và tổ chức các hoạt động trong Khu Di tích Lăng; nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng.
Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là các công trình, khu vực có tính chất đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, đồng thời có giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng, bao gồm: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn, thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội; Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông thuộc huyện Ba Vì, TP Hà Nội (Khu K9); các công trình hỗ trợ, phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là Pháp lệnh có ý nghĩa rất quan trọng về chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh nhà lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc và những di sản của Người để lại cho Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta; tạo điều kiện để Nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế tới viếng và tham quan Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Pháp lệnh vừa là văn bản pháp lý vừa là văn kiện chính trị có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Với ý nghĩa như vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, dự thảo Pháp lệnh cần có những chính sách, quy định đặc thù, vượt trội để nâng cao hiệu quả tổ chức quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.