Thứ Bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2024

Việc xây dựng và củng cố chính quyền sau Cách mạng tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân trong cả nước đã tích cực góp gạo cứu đói cho đồng bào. (Ảnh tư liệu)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời thì đã lập tức đối đầu với bao nhiêu khó khăn, thử thách, trong đó thù trong giặc ngoài đã đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của chính quyền cách mạng.

Ngay trước khi Chính phủ lâm thời chính thức ra mắt đồng bào, ngày 22/8/1945, 20 vạn quân Tưởng do Lư Hán chỉ huy bắt đầu kéo vào Đông Dương. Ngày 7 đến ngày 10/9, các tên Tạ Sùng Kỳ và Tiêu Văn đến Hà Nội nhân danh phái bộ Trung Hoa, đem theo các tổ chức phản động: Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách). Ngày 14/9, Lư Hán đáp máy bay đến Hà Nội. Ngày 26 và 27/9, hàng vạn quân Tưởng lếch thếch kéo vào thủ đô. Ngày 7/10, Hà Ứng Khâm, Tổng Tham mưu trưởng quân đội của Tưởng Giới Thạch, đến Hà Nội cùng tướng Mỹ Mac Lure để xúc tiến xâm lược nước ta. Ngày 24/10, bọn Việt Quốc, Việt Cách dựa vào áp lực của quân Tưởng đã bắt cóc nhân viên chính phủ ta, đòi ta phải nhượng cho chúng 7 ghế trong Chính phủ: Nội vụ, Quốc phòng, Tài chính, Kinh tế, Thanh niên, Giáo dục, Kiều vụ và 2 chức Tổng lý Nội các và Tổng Tham mưu trưởng. Tuy nhiên, chúng ta chỉ chấp nhập nhân nhượng hạn chế: lãnh đạo Việt Cách Nguyễn Hải Thần được bổ nhiệm vào ghế Phó Chủ tịch Chính phủ; đồng thời hai ghế bộ trưởng Y tế và Vệ sinh, một ghế thứ trưởng Quốc dân kinh tế được giao cho các thành viên của Việt Quốc, Việt Cách. Cuối tháng 12/1945, Lư Hán đưa tối hậu thư đòi Chính phủ ta phải loại các bộ trưởng là đảng viên cộng sản… Cùng với các hoạt động chính trị, quân Tưởng và các thế lực phản động liên tục thực hiện nhiều hoạt động cướp bóc, khủng bố, phá hoại, buôn lậu…

Ở miền Nam, dựa vào quân Anh, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược nước ta. Ngày 23/9/1945, tiếng súng chống Pháp đã nổ tại Sài Gòn, sau đó lan rộng toàn Nam bộ, báo hiệu một trận chiến mới vô cùng khắc nghiệt.

Tình thế lúc này được những người trong cuộc và những người chép sử gọi là “ngàn cân treo sợi tóc”. Thực sự không có hình tượng nào phản ánh đúng hơn!

Cố vấn Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại) phát biểu trong buổi đấu giá tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày bế mạc Tuần lễ Vàng, ngày 17/9/1945). (Ảnh tư liệu) Cố vấn Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại) phát biểu trong buổi đấu giá tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày bế mạc Tuần lễ Vàng, ngày 29/9/1945). (Ảnh tư liệu)

Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những đối sách vô cùng sáng suốt, linh hoạt, mềm dẻo nhưng cũng rất kiên quyết. Riêng trong việc xây dựng và củng cố chính quyền, vấn đề được coi là cơ bản, cốt yếu của mọi cuộc cách mạng xã hội, đã được thực hiện rất quyết liệt và đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần giữ vững thành quả cách mạng.

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: chống giặc đói; chống giặc dốt; tổ chức tổng tuyển cử; giáo dục lại tinh thần của nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò và cấm thuốc phiện; thực hiện tự do tín ngưỡng.

Đối với thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu. Ngày 5/9/1945, Người kêu gọi: “(Nhân dân Việt Nam) cương quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa… Hiện một số quân Pháp đã lọt vào nước ta. Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ để chiến đấu!”.

Ngày 10 và 11/9/1945, Hội nghị cán bộ Bắc kỳ của Đảng đã ra nghị quyết, trong đó về vấn đề chính quyền, nghị quyết nêu rõ: huy động các hạng nhân tài và chính trị phạm ra giúp việc; cấp tốc tổ chức các ủy ban nhân dân các làng, các phố; thi hành thống nhất các chương trình của Việt Minh và do Chính phủ quyết định…

Ngày 11/9/1945, với bút danh Chiến Thắng, Hồ Chí Minh nêu “cách tổ chức các ủy ban nhân dân” (làng, huyện, tỉnh, thành phố), đăng trên báo Cứu quốc. Theo đó, mỗi ủy ban có từ 5 - 7 người, gồm một chủ tịch, một phó chủ tịch, một thư ký, một ủy viên phụ trách chính trị, một ủy viên phụ trách kinh tế - tài chính, một ủy viên phụ trách quân sự, một ủy viên phụ trách xã hội. Người nhấn mạnh: “Ủy ban nhân dân tổ chức và làm việc theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới, khác hẳn các cơ quan do bọn thống trị cũ đặt ra”.

Nhân dân Hà Nội đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I tại Hà Nội. (Ảnh tư liệu) Nhân dân Hà Nội đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I tại Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Từ ngày 17 đến 24/9/1945, Chính phủ tổ chức “Tuần lễ vàng” để có nguồn tài chính phục vụ việc xây dựng đất nước và chuẩn bị chiến tranh chống xâm lược. Trong một tuần, nhân dân quyên góp tổng cộng 60 triệu đồng Đông Dương và 370 ký vàng. Khi Cách mạng thành công, chúng ta chiếm được Ngân hàng Đông Dương nhưng chỉ thu được 1,25 triệu đồng Đông Dương mà trong đó phần lớn là tiền rách nát! Điều đó cho thấy ý nghĩa lớn lao của “Tuần lễ vàng” như thế nào.

Để đối phó với sự công kích trực diện của kẻ thù, ngày 11/11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán và rút vào hoạt động bí mật, đồng thời thành lập Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác, hoạt động công khai.

Bấy giờ, để tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động cách mạng, Đảng ta đã chỉ đạo phát triển rộng khắp các tổ chức quần chúng, mở rộng mặt trận đoàn kết toàn dân. Chẳng hạn, trong các xí nghiệp thì có ủy ban công nhân (sau đổi thành ủy ban xí nghiệp); tổ chức lực lượng Thanh niên cứu quốc, Tự vệ chiến đấu (kể cả trong học sinh, thanh niên Công giáo và hướng đạo); tổ chức Phụ nữ cứu quốc; tiếp tục phát triển Hội Văn hóa cứu quốc; đồng thời hình thành nhiều tổ chức quần chúng khác như Công thương cứu quốc đoàn, Cựu binh sĩ cứu quốc đoàn, Liên đoàn Công giáo cứu quốc, Hội Phật giáo cứu quốc…

Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ban hành chỉ thị về kháng chiến kiến quốc (mật), nêu rõ “kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược” nên “chiến thuật của ta lúc này là lập Mặt trận Dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược”, đồng thời “phải củng cố chính quyền chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân”, “xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra ngày 2/3/1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh tư liệu) Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra ngày 2/3/1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Ngày 6/1/1946, cuộc bầu cử Quốc hội khóa I đã diễn ra tại 71 tỉnh thành trong cả nước theo lối phổ thông đầu phiếu và chọn ra 333 đại biểu. Hai Đảng đối lập trong Chính phủ là Việt Quốc và Việt Cách không tham gia bầu cử; trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã đồng ý công nhận thêm 70 ghế thuộc các đảng này, nâng tổng số đại biểu là 403. Cuộc bầu cử đã được toàn dân nô nức tham gia; dù diễn ra trong điều kiện chiến sự, có sự cản trở, phá hoại của bọn phản động và sự hạn chế đi lại nhưng có đến 89% cử tri đi bầu; thậm chí ở Trung bộ và Nam bộ, cuộc bầu cử đã có đổ máu, với ít nhất 42 cán bộ của ta hy sinh. Tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; với hai đảng đối lập, Việt Quốc nắm một số bộ gồm Kinh tế, Ngoại giao, Việt Cách nắm chức Phó Chủ tịch Chính phủ, Bộ Xã hội, Y tế, Cứu tế - Lao động, Canh nông. Sau đó, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1946 tại kỳ họp thứ hai.

Đối với vấn đề ngoại xâm, ngày 6/3/1946, Chính phủ ta đã ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp, đồng ý cho 15.000 quân Pháp thay thế quân Tưởng giải giáp quân Nhật. Đến tháng 6/1946, toàn bộ quân Tưởng rút khỏi Việt Nam; bọn phản động mất chỗ dựa nên ra sức chống phá, nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Pháp đã mưu toan đảo chính lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 7/1946, âm mưu của chúng bị vạch trần, thông qua sự kiện vụ án phố Ôn Như Hầu. Vụ phá án đã đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng, làm tan rã hệ thống tổ chức của một đảng phản động, phá vỡ liên minh phản cách mạng giữa bọn phản động bên trong với thế lực xâm lược bên ngoài.

Có thể thấy, việc giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng là hết sức ngoạn mục, vừa chớp được thời cơ, vừa giành thắng lợi trọn vẹn, vừa hạn chế tối đa đổ máu. Các diễn biến tiếp theo đó trong việc giữ vững thành quả cách mạng cũng ngoạn mục không kém, khi chính quyền non trẻ đã phải cùng lúc đương đầu với rất nhiều kẻ thù, rất nhiều thử thách khốc liệt. Nhưng dưới sự sáng suốt của Đảng, của Chính phủ, đứng đầu là Chính phủ Hồ Chí Minh, chính quyền cách mạng không những được giữ vững mà còn không ngừng được củng cố và phát triển. Đến tháng 12/1946, khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, chính quyền cách mạng đã thực sự vững mạnh và đủ sức lãnh đạo nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng là vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Nhờ đó, cuộc kháng Pháp của nhân dân ta dù lúc đầu hết sức khó khăn nhưng dần dần ta đã chiếm ưu thế và giành thắng lợi cuối cùng.

Nguyễn Minh Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo