Cuộc hành trình tìm bức chân dung sử dụng cả màn hình led và màn hình gauze tạo không gian chân thật cho vở diễn. (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 12/12, tại hội trường Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM (Quận 3), đông đảo hội viên phụ nữ đã được xem vở kịch “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” (kịch bản: Khánh Hoàng, đạo diễn: Hoàng Tấn). Đây là vở diễn được Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM chọn giới thiệu trong đợt tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm đạt giải thưởng về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong năm 2024.
Cuộc hành trình tìm bức chân dung được tác giả Khánh Hoàng chấp bút từ những giai thoại về tấm lòng của nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến gian khó. Đặc biệt, khi Bác qua đời, nhiều địa phương dù trong vòng kìm kẹp vẫn tổ chức lễ truy điệu, lập đền thờ và bảo vệ toàn vẹn đền thờ Bác đến ngày hòa bình.
Vở diễn kể về tình cảm hồn nhiên mà sâu đậm đối với Bác Hồ của những đứa trẻ được kháng chiến nuôi lớn giữa rừng đước mênh mông – nơi người dân tản cư để tránh vào các ấp chiến lược và làm cơ sở chở che cho du kích, bộ đội. Đám nhỏ gồm có Non, Đạm, Liêm và bé Ba dù chỉ qua lời kể của những người lớn xung quanh mà rất yêu thương và kính trọng Bác Hồ. Không biết mặt Bác, mỗi đứa nghĩ về Bác qua hình tượng mà mình yêu kính nhất. Hay tin Bác mất, người dân lập đền thờ Bác giữa rừng, đám trẻ mong mỏi khắc được bức tượng của Bác để đặt lên bàn thờ. Nhưng để làm tượng thờ thì phải khắc thật giống, thế là hành trình tìm bức chân dung Bác Hồ đầy cảm xúc của các bạn nhỏ bắt đầu bằng lý do hồn nhiên như thế.
Cuộc hành trình tìm bức chân dung được đánh giá rất cao qua nhiều cuộc liên hoan, hội diễn và được Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM trao giải A bảng chuyên nghiệp của giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn TPHCM đợt 1 (giai đoạn 2021 - 2025). Vở cũng đã mở đầu đợt biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về học tập Bác trong năm 2023.
Mỗi đứa trẻ hình dung về Bác Hồ khác nhau, bàn chuyện phải tìm được chân dung của Bác để khắc tượng thờ cho đúng. Đạo diễn Hoàng Tấn cho biết, rất tự hào khi Cuộc hành trình tìm bức chân dung 2 năm liên tiếp được chọn vào chương trình quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân TPHCM. So với năm 2023 chỉ có 5 suất diễn thì năm nay, vở được 10 suất diễn; đồng thời, chi phí hỗ trợ vở cũng bao gồm luôn phần các thiết bị kỹ thuật như màn hình gauze, màn hình led giúp vở diễn đến các nơi vẫn đảm bảo được các hiệu ứng dàn dựng cho chất lượng vở diễn.
Chị Tuyết Mai (Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 4, phường 2, quận Bình Thạnh) cho biết, nội dung vở diễn rất gần gũi, đều là những mẩu chuyện về Bác và tình cảm người dân Nam bộ về Bác mình từng nghe qua nhưng Cuộc hành trình tìm bức chân dung có hình thức biểu diễn khá mới lạ so với các vở kịch từng xem trước đây. “Cách xử lý giữa phần diễn sân khấu thật và phần trên màn hình led, màn hình gauze khá nhịp nhàng, tạo cảm giác mới mẻ cho người xem. Tôi cho rằng, ngoài nội dung thì các vở diễn đề tài truyền thống cách mạng cần được đầu tư thêm nhiều về hình thức dàn dựng cho mới hơn, hấp dẫn hơn” – chị Tuyết Mai chia sẻ.
Đạo diễn Hoàng Tấn cho biết việc đổi mới dàn dựng, kết hợp nhiều công nghệ hiện đại trong các vở diễn cũng là định hướng của bản thân và Nhà hát Kịch TPHCM trong các tác phẩm tiếp theo, nhất là đề tài truyền thống cách mạng để thu hút thêm nhiều khán giả trẻ.