Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xây dựng các công trình phụ trợ để phát triển nông nghiệp đô thị TPHCM

Chương trình đối thoại cùng chính quyền TP tháng 9/2020.

(Thanhuytphcm.vn) - TPHCM đang thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía, làm muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của TP. Do vậy, việc xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp là vấn đề được nhiều người nông dân quan tâm hiện nay.

Đó chính là những nội dung được các đại biểu trao đổi, đề ra giải pháp trong chương trình Đối thoại cùng chính quyền TP tháng 9/2020 với chủ đề “Xây dựng các công trình phụ trợ để phát triển nông nghiệp đô thị” do HĐND TP phối hợp Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM - VOH thực hiện vào sáng 26/9.

Đời sống người dân được cải thiện và từng bước nâng cao

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, diện tích đất sản xuất thực tế năm 2019 của TP hơn 76.346 ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp hơn 30.090 ha, đất lâm nghiệp hơn 35.640 ha, đất nuôi trồng thủy sản hơn 8.650 ha, đất làm muối hơn 1.580 ha.

Tại chương trình, Chi cục trưởng – Chi cục phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM Hoàng Thị Mai cho biết: Trong những năm qua, TP đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Cụ thể như: Các công trình thủy lợi, đê điều, kè chống sạt lở bờ sông được đầu tư cải tạo nâng cấp. Đời sống người dân được cải thiện và từng bước nâng cao, giá trị sản xuất bình quân một ha đất sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2019 tăng từ 375 triệu đồng (năm 2015) lên 550 triệu đồng (năm 2019), thu nhập của người dân vùng nông thôn năm 2019 đạt 63,096 triệu đồng/người/năm tăng 58,85% so với năm 2015. Khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng thu hẹp qua các năm: Năm 2010 là 66,5%, đến năm 2016 là 71,9% và đến năm 2019 là 72,57%.

Tuy nhiên, Chi cục trưởng – Chi cục phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM Hoàng Thị Mai cũng thừa nhận ngành nông nghiệp TP đang gặp phải một số khó khăn, cụ thể: Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, đất nông nghiệp bị chia cắt, manh mún. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ là trở ngại lớn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và gây tâm lý ngại đầu tư cho sản xuất nông nghiệp do đất đai không ổn định vì nằm trong quy hoạch. Việc xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao (nhà lưới, nhà màng, nhà kho, chuồng trại...) trên đất sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao còn chậm vì dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ bị vướng ranh quy hoạch đất rừng phòng hộ nên phải điều chỉnh quy hoạch và dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao 23,3 ha tại huyện Củ Chi vướng đền bù, giải phóng mặt bằng… Ngoài ra, việc đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, nhân lực chất lượng cao cũng là một trở ngại phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 

Chia sẻ tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển khẳng định công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực quản lý đô thị tại huyện Cần Giờ đến thời điểm hiện nay thực hiện tuân thủ theo đúng qui định của pháp luật. Bên cạnh đó, Huyện vẫn chưa có cơ sở pháp lý để triển khai cũng như quản lý và cho phép đối với việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất trên nông nghiệp. “Đó là vì qui định của pháp luật hiện hành chưa có qui định nào điều chỉnh cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp nói chung.”- Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Cần Giờ từng bước tiếp cận và ứng dụng Công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; đến nay đã có khoảng 127ha đất nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao và có khoảng 5ha đất trồng trọt các loại có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chủ yếu là mô hình trồng rau lấy lá và trồng rau lấy trái trong nhà màn.

Mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đẩy nhanh hướng dẫn xây dựng công trình phụ trợ

Tại chương trình, đa số các đại biểu cho rằng hiện nay, TP đã có chủ trương tái cơ cấu đàn heo trên địa bàn TP sau thời gian dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, trong đó yêu cầu hàng đầu để tái chăn nuôi phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh học. Tuy nhiên, việc xây dựng, mở rộng chuồng trại bị vướng mắc. Cụ thể, hầu hết các công trình xây dựng chuồng trại đều nằm trên đất lúa, vườn, thổ cư hoặc đang xây dựng các công trình trên đất đã quy hoạch là đất ở, công viên cây xanh. Cử tri Trầm Quốc Thắng đề nghị các sở ngành TP có hướng dẫn và cho phép người chăn nuôi được phép xây dựng, cải tạo chuồng trại để đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, không để phát sinh dịch bệnh thiệt hại đến kinh tế của người chăn nuôi.

Nêu giải pháp xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp khi phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng Sở Xây dựng TP Tống Đức Tiến cho biết: UBND TP đã thống nhất phạm vi áp dụng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu xây dựng các công trình nhằm mục đích phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không phân biệt đất nông nghiệp, đất nông nghiệp khác, đất phi nông nghiệp khác; không phân biệt chức năng sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt.

Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM Hoàng Thị Mai cho rằng: Khuyến khích người dân có đất, nhưng không còn khả năng lao động ký hợp đồng cho thuê hoặc góp đất với các hợp/tác xã, doanh nghiệp có vốn, công nghệ,... để đầu tư sản xuất nông nghiệp với  mức hỗ trợ lãi vay, thời gian lãi vay theo từng đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực.

Đối với các quy hoạch ngành nông nghiệp đã bị dừng lại theo Luật Quy hoạch ban hành năm 2017, TP cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch chung của Thành phố giai đoạn 2021 – 2030 để tích hợp các quy hoạch ngành nông nghiệp vào quy hoạch chung của TP.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn việc xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao nhà lưới, nhà màng, nhà kho, chuồng trại... trên đất nông nghiệp. Tiếp tục tập trung chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang phát triển 6 loại cây trồng, vật nuôi chủ lực ngành nông nghiệp Thành phố theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học gồm: rau, hoa cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, dự án trọng điểm của ngành, ưu tiên đầu tư phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng chương trình, đề án giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo