Chủ Nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Củ Chi

Tình quân dân ấm áp, nghĩa tình qua những ly nước khi bộ đội giúp dân ở xã Phú Mỹ Hưng

(Thanhuytphcm.vn) - Trong công cuộc đổi mới xây dựng quê hương, nhận rõ sức mạnh to lớn của văn hóa, Đảng bộ huyện Củ Chi đã nhanh chóng đón nhận các nghị quyết, chính sách của Trung ương, Thành phố và cụ thể hóa thành các chương trình hành động, quyết sách để khơi nguồn lực nội sinh của văn hóa, thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của Nhân dân, từng bước đưa huyện nhà phát triển theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (gọi tắt Nghị quyết 33-NQ/TW).

Xây dựng môi trường văn hóa

Phong trào “Người tốt, việc tốt”, “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng ấp, khu phố văn hóa”, “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”… đã tạo môi trường tốt để những “hạt mầm văn hóa” trong mỗi con người, mỗi gia đình được nảy nở, phát triển, trở thành điển hình lan tỏa trong cộng đồng, góp phần tạo ra những hệ giá trị mới, hướng tới mục tiêu xây dựng, bồi đắp những tố chất của con người Củ Chi thời kỳ mới.

Củ Chi có 20/20 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 19/20 xã đạt chuẩn văn hóa Nông thôn mới (còn xã Trung An chưa đạt) và thị trấn Củ Chi đạt Thị trấn Văn minh đô thị. Có 13 doanh nghiệp tham gia đăng ký và đạt chuẩn văn hóa hàng năm. Hàng năm, huyện đều phấn đấu đạt tỷ lệ 96% trở lên gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 100% ấp/khu phố đạt danh hiệu “Ấp, khu phố văn hóa”; 100% xã, thị trấn đạt danh hiệu “xã, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; 35% người dân tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; 33% gia đình đạt danh hiệu Gia đình thể thao.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh… được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm. Đặc biệt, năm 2016, Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ra đời đã tác động sâu sắc đến đời sống các tầng lớp nhân dân Củ Chi, trở thành một phong trào thi đua rộng lớn, sôi nổi học và làm theo Bác trong nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó góp phần xây dựng và tiếp tục hoàn thiện văn hóa ứng xử của con người Củ Chi.

Mỗi năm, huyện có 1.660 gương điển hình học và làm theo Bác được tuyên dương qua những phần việc, cách làm cụ thể; đã có trên 30.000 gương “Người tốt, việc tốt” được bình chọn và biểu dương ở cả 3 cấp thành phố, huyện và xã, thị trấn (2014-2023).

Việc bảo tồn, phát triển các loại hình du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống trên địa bàn huyện luôn được quan tâm thực hiện. Huyện Củ Chi có 6 di tích đã được xếp hạng gồm: 1 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi); 5 di tích cấp Thành phố bao gồm 2 di tích kiến trúc nghệ thuật (Chùa Linh Sơn, Đình Xóm Huế), 3 di tích lịch sử (Đình Cây Sộp, Đình Tân Thông, căn cứ quận Gò Môn).

Phát huy các giá trị văn hóa qua việc giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên về di tích lịch sử (Hội Cựu chiến binh xã Trung An kể chuyện truyền thống cho đoàn viên thanh niên tại Bia tưởng niệm Gò Môn) Phát huy các giá trị văn hóa qua việc giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên về di tích lịch sử (Hội Cựu chiến binh xã Trung An kể chuyện truyền thống cho đoàn viên thanh niên tại Bia tưởng niệm Gò Môn)

Xây dựng con người văn hóa

Những con người với đức tính tốt đẹp, giàu lòng “nhân ái, nghĩa tình” là nền tảng vững chắc để xây dựng đời sống văn hóa.

Những dịp lễ, Tết, ngoài sự quan tâm, chăm lo của chính quyền địa phương thì nhiều đơn vị, cá nhân mạnh thường quân đã chia sẻ với những hộ gia đình còn khó khăn, người tàn tật, những em học sinh có hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nhưng biết vươn lên trong học tập. Những món quà tuy không nhiều về giá trị vật chất nhưng thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Đó là những tấm lòng thảo thơm với lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” như Nghị quyết 33-NQ/TW nêu khi nói về nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Nền tảng ấy còn là những người sống theo pháp luật và ý thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với gia đình, địa phương và xã hội. Chúng ta vẫn thấy các cô, chú mái tóc bạc phơ nhưng vẫn tích cực tham gia công tác ở ấp, khu phố, tổ nhân dân, tổ dân phố, nỗ lực đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với người dân. Đơn cử là ông Nguyễn Văn Nhựt, Trưởng ấp Đức Hiệp, xã Nhuận Đức vì tinh thần trách nhiệm, phẩm chất của người đảng viên mà ông gắn bó với người dân, những lúc khó khăn người dân cần đều có ông. Bà Nguyễn Thị Bảy, người dân nói về người Trưởng ấp mình với niềm tự hào “Tôi nhớ mãi hình ảnh của chú Nhựt trưởng ấp. Người đàn ông gần 70 tuổi với chiếc xe máy đã cũ, rong rủi từ đầu trên đến xóm dưới giúp dân từng bó rau, ký gạo thời điểm dịch Covid-19. Thương lắm. Người dân chúng tôi không bao giờ quên”.

Khi có chủ trương mở rộng, tráng nhựa tuyến đường trong xóm ấp, nhiều người dân bình thường chân lấm tay bùn đã nghĩ đến lợi ích chung, không ngần ngại mà đồng thuận, sẵn sàng đóng góp tiền bạc, công sức và tự nguyện hiến 287.368m2 đất với tổng giá trị trên 280 tỷ đồng và 244.810 ngày công để mở rộng đường đi chung.

Ông Trần Văn Mút, người dân ấp 3, xã Tân Thạnh Đông cho hay: “Hiến đất làm đường được người dân nhất trí và ủng hộ cao. Đó cũng được xem là một việc làm truyền thống của bà con vùng này. Cứ tới thời điểm, chính quyền cần đất để mở rộng làm đường thì bà con sẵn sàng hiến mà không đòi hỏi đền bù”. Chính quyền phát động, người dân chung tay cùng thực hiện xây dựng các tuyến đường rực rỡ sắc hoa trong xóm ấp, tạo môi trường sống trong lành, xây dựng các tuyến đường làng - ngõ - hẽm - sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Mỗi xã của huyện Củ Chi đều xây dựng một tuyến đường hoa như thế.

Chị Lâm Thị Hồng Cẩm, người dân đường 521, ấp Bàu Chứa, xã Nhận Đức chia sẽ: “Đẹp chung mà. Với lại chiều chiều, sau giờ lao động, mọi người ra đường nhỏ cỏ, tưới cây, bón phân, nói chuyện rôm rả, tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt. Vui”.

Nét văn hóa còn thể hiện ở tinh thần không trông chờ, ỷ lại vào chính quyền địa phương mà cần cù, sáng tạo trong lao động để thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Đây là một trong những yếu tố giúp tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 2,8% vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 0,7%. Hiện hộ nghèo, cận nghèo còn 2.857 hộ, giảm 4.365 hộ so với đầu nhiệm kỳ.

Nét đẹp văn hóa, con người văn hóa còn thể hiện ở tinh thần nhân nghĩa, tình làng, nghĩa xóm được khơi dậy, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái được đề cao, được phát huy mạnh mẽ qua các phong trào “Tết vì người nghèo”, “Lá lành đùm lá rách”, “Quỹ vì người nghèo”, “Khu dân cư chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả  như “Chương trình Đi bộ đồng hành”; Chương trình “Hạt gạo từ bi”; Chương trình “Ngày hội ẩm thực chay”, chương trình đêm văn nghệ “Xuân yêu Thương”; Chương trình “Hương sắc vùng đất thép”; mô hình “Phiên chợ yêu thương” “ tiếp bước em đến trường”, Chương trình vận động xây mới, sửa chữa 500 căn nhà tình thương lập thành tích chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước…; qua đó kêu gọi, khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp giúp đỡ người nghèo. Quỹ “Vì người nghèo” (2020 - 2024) đã tiếp nhận 62,8 tỷ đồng và các phần quà ý nghĩa có giá trị 124,8 tỷ đồng. Đây là một trong những minh chứng sinh động nhất khẳng định truyền thống đạo lý tốt đẹp “thương người như thể thương thân”, cuộc sống dù còn khó khăn nhưng trọng nghĩa tình của người dân Củ Chi.

Tất cả là “trái ngọt” của việc Củ Chi xây dựng môi trường văn hóa, con người văn hóa thời gian qua.

Kiều Ngân


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo