Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xem xét đến trách nhiệm hình sự của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Đồng chí Trần Kim Yến phát biểu kết luận tại hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 28/3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi). Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Trần Kim Yến chủ trì hội thảo.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung cải cách, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH; Thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp liên quan trực tiếp đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Bám sát 5 chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15.

Bên cạnh đó, rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật BHXH 2014; Rà soát các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội để đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều, khoản.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng cần xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, cần cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Luật sư Nguyễn Minh Trí, thành viên Ban Dân chủ Pháp luật Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh cho rằng, hiện nay, việc giao dịch với cơ quan BHXH tại các địa phương thuận lợi hơn nhiều so với trước như: giao dịch qua Công thông tin điện tử; nộp và trả hồ sơ qua bưu điện; nhận tiền qua tài khoản ngân hàng và có cả app VssID, thời gian giải quyết hồ sơ khá đúng hẹn. Tuy nhiên, cần cập nhật các thông tin biến động về BHXH cho doanh nghiệp và người lao động nhanh chóng và kịp thời hơn.

Về đóng BHXH bắt buộc, luật sư Nguyễn Minh Trí cho rằng, quy định về “Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc” có tính khả thi, rõ ràng và dễ dàng thực hiện hơn do các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động.

Theo luật sư Nguyễn Minh Trí, mức đóng không có gì thay đổi, tức người sử dụng lao động đóng 3% vào quỹ ốm đau và thai sản và 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất, người lao động đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người lao động hàng tháng còn phải nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc khác như: Bảo hiểm tai nạn lao động, Bảo hiểm tai nạn, Bảo hiểm y tế, Kinh phí Công đoàn và Đoàn phí công đoàn. Mức đóng này khá nặng và tạo áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp và người lao động. Nếu không kể kinh phí và đoàn phí công đoàn, hiện nay hàng tháng doanh nghiệp phải nộp 21,5% và người lao động phải nộp 10,5% trên tổng quỹ lương của người lao động. Do vậy, căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội ở nước ta để xác định mức đóng phù hợp hơn, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nhà nước và đảm bảo sự bình ổn, tăng trưởng quỹ BHXH.

Các đại biểu góp ý tại hội thảo. Các đại biểu góp ý tại hội thảo.

Một số ý kiến cho rằng việc giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm dẫn tới việc mức lương hưu của người lao động cũng thấp, sau này người lao động cũng không đảm bảo mức sống tối thiểu. Do vậy, số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện dựa trên bài toán phụ thuộc vào các thông số tài chính, xã hội, lao động, con người…

Đối với chế tài đối với các hành vi vi phạm về BHXH, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp có đóng BHXH nhưng không đóng đủ về số lượng người lao động làm việc tại doanh nghiệp, không đóng đủ mức tiền lương người lao động nhận được. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động theo quy định. Các đại biểu cho rằng, mặc dù doanh nghiệp vi phạm cũng đều gây thiệt hại lợi ích cho người lao động, họ bị mất đi một khoản giá trị vật chất, lẽ ra họ phải được hưởng đúng và đầy đủ sau một thời gian dài họ đóng góp và làm việc tại doanh nghiệp.

Do đó, cần có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp vi phạm, chẳng hạn như: truy thu, phạt vi phạm hành chính, lãi chậm nộp và bồi thường thiệt hại. Trường hợp, doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH nhiều lần và kéo dài hoặc đã trích từ lương của người lao động nhưng không nộp, chiếm dụng, có thể xem xét đến trách nhiệm hình sự của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Kết luận tại hội thảo, đồng chí Trần Kim Yến trân trọng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu và sẽ tổng hợp đầy đủ, trung thực, kịp thời về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để có tổng hợp và sửa đổi phù hợp để khi các văn bản khi ban hành đạt được mục đích, yêu cầu đã đề ra, phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo