Thứ Ba, ngày 5 tháng 11 năm 2024

Xử lý các dự án để hoang hóa, chậm đưa đất đai vào sử dụng gây lãng phí lớn

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đồng Nai

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 4/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Đáng chú ý, ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) quan tâm đến chính sách học phí cho học sinh, sinh viên, nhất là hệ đại học, bởi mức học phí đại học tại các trường tự chủ, nhất là hệ chất lượng cao đang cao gấp đôi so với hệ đại trà. Người học luôn trong tình trạng nơm nớp lo ngại khi học phí tiếp tục leo thang, năm sau cao hơn năm trước 10%-30%. Hiện nay, số lượng lớn gia đình có con em học đại học rất khó khăn về tài chính để trang trải kinh phí. ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan xem xét đánh giá thực trạng và tăng cường vai trò quản lý nhà nước về vấn đề này, bảo đảm công khai, minh bạch; đồng thời có cơ chế đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và phù hợp với điều kiện của đa số người dân.

Trong khi đó, vấn đề giải ngân chậm vốn đầu tư công vẫn khiến nhiều ĐB trăn trở. ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, hiện nay chúng ta đang dành một nguồn lực rất lớn của xã hội, của nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển xã hội, trong đó đã dành một nguồn lực đầu tư công rất lớn để đầu tư về giao thông với một nguyên tắc, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Nhưng tỷ lệ phát triển tăng đầu tư tư đang ngày càng suy giảm. Giai đoạn hiện nay tăng đầu tư tư chỉ đạt khoảng 7%, chỉ bằng một nửa so với giai đoạn trước. Tại sao đầu tư công lớn mà không dẫn dắt được đầu tư tư? Cần làm rõ được điểm nghẽn này để thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư vào vào nền kinh tế.

Đối với vấn đề lãng phí, ĐB Trịnh Xuân An cho biết, Nghị quyết 78 của Quốc hội năm 2022 đã nêu danh mục 13 dự án trọng điểm để chậm trễ; 19 dự án để hoang hóa; 880 dự án chậm đưa đất đai vào sử dụng... “Cần phải xử lý những dự án trong danh mục đã được Quốc hội chỉ ra. Điều này vừa có tác dụng cảnh tỉnh, vừa làm gương nhưng cũng vừa cắt đi phần lãng phí mà lâu nay đang tồn tại, những số liệu đã nêu khiến chúng ta rất đau lòng. Đây là cơ sở hết sức quan trọng trước khi chúng ta hình thành văn hóa chống lãng phí trong người dân, trong doanh nghiệp” - ĐB Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Trong phiên thảo luận chiều, các thành viên Chính phủ đã đăng đàn giải trình các vấn đề mà ĐB quan tâm. Liên quan đến việc phân bổ, hướng nghiệp cho học sinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay học sinh phải đối mặt với sức ép rất lớn khi thi vào lớp 10. Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần phải đánh giá một cách đầy đủ sau một thời gian triển khai quyết định về phân luồng, hướng nghiệp thì mức độ phù hợp còn đến đâu.

Liên quan đến vấn đề in ấn và phát hành sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, ngành giáo dục đã chấn chỉnh và xử lý những trường hợp liên quan đến lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành sách. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý triệt để vấn đề này…

Kết luận phiên thảo luận ngày 4/11 về kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau 1 ngày thảo luận tại hội trường, đã có 59 ĐB phát biểu, 6 ĐB tham gia tranh luận, còn 26 ĐB đã đăng ký nhưng chưa phát biểu; 3 Bộ trưởng đã giải trình nhiều vấn đề cử tri và ĐB quan tâm.

Các ý kiến ĐB thống nhất, năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 và thiên tai bão lũ miền Trung, tuy nhiên, dưới sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư và sự nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành và sự đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế, nền kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục phục hồi và phát triển. Dự kiến đạt và vượt 14 /15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó GDP ước tăng 6,8%-7%, đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu về xã.

Phiên thảo luận chiều 4/11 Phiên thảo luận chiều 4/11

Các ĐB cũng đề nghị phân tích cụ thể, có giải pháp ứng phó, tháo gỡ khó khăn điểm nghẽn, tiếp tục bảo vệ kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chủ động phòng, chống, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, bội chi nợ công, ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản, điều tiết tốt thị trường, cân đối cung cầu, có giải pháp chấm dứt được đầu cơ của giá bất động sản, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu, phát triển bền vững thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Một số ĐB đề cập đến vấn đề tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án về đất đai; kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo nguồn cung và cổ định giá cả điện, xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và bão lũ miền Trung cũng như có cơ chế chủ động, kịp thời phòng, chống và khắc phục hậu quả của thiên tai…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo