Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

Chương trình hành động số 44 -CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

I. TÌNH HÌNH ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC VÀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TỪ ĐỔI MỚI (NĂM 1986) ĐẾN NAY

1. Sự phát triển và đóng góp của đội ngũ trí thức trong thời kỳ đổi mới

Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức nói chung và trí thức thành phố những năm qua đã tăng nhanh về số lượng (từ 13.000 người vào năm 1975, đến nay đã có trên 350.000 người) từ nhiều nguồn khác nhau và đa số đã có những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự phát triển của thành phố; góp phần tạo nên nhiều thành tựu trên các mặt đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, tăng năng suất lao động, đưa GDP thành phố năm 1985 chiếm 13% GDP cả nước, đến năm 2008 tăng lên 21,5%.

Lực lượng khoa học - công nghệ đẩy mạnh triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào những ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Lực lượng nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn tập trung nghiên cứu các vấn đề cơ bản, bức xúc của thành phố để làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị.

Bộ phận trí thức tham gia công tác lãnh đạo, quản lý đã phát huy tốt vai trò, khả năng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý Nhà nước. Đội ngũ trí thức trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh là lực lượng nòng cốt xây dựng lực lượng võ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Thông qua Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố, giới trí thức đã đóng góp ý kiến, tư vấn các vấn đề quan trọng của thành phố; thường xuyên tổ chức hội thảo, phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật, tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn; chuyển giao công nghệ; tổ chức các hội thi olympic cho giới khoa học trẻ, sinh viên.

Đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao trình độ dân trí, góp phần hoàn thành phổ cập trình độ học vấn trung học cơ sở vào năm 2002 và đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành và giữ vững phổ cập bậc trung học theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII.

Đội ngũ bác sĩ, y sĩ đã đóng góp thiết thực vào việc xây dựng con người Việt Nam có trí lực, thể lực, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực; chủ động, sáng tạo tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài trong các lĩnh vực mới, để làm chủ các kỹ thuật phức tạp, nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho nhân dân.

Đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp ngày càng được nâng cao trình độ chuyên môn và kiến thức quản lý, vừa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, vừa tiếp tục góp phần khẳng định vai trò trung tâm kinh tế của thành phố đối với khu vực và cả nước, đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Giới văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo những công trình có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tạo điều kiện cho nhân dân hưởng thụ những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc như lòng nhân ái, nghĩa tình, giúp đỡ người nghèo, năng động, sáng tạo. Văn học - nghệ thuật qua hơn 20 năm đổi mới đã có sự phát triển đa dạng và phong phú về đề tài, phương pháp sáng tác, phương thức thể hiện; đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ được bổ sung.

Trí thức khoa học kiều bào bước đầu có những đóng góp thiết thực vào lĩnh vực khoa học - công nghệ, mở nhiều lớp huấn luyện và tư vấn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, môi trường, vật liệu mới, tham gia trực tiếp và có hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo.

2. Một số chính sách được thực hiện để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

2.1. Công tác đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ trí thức trong các lĩnh vực được chú trọng

Trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển nhanh về số lượng và nâng lên về chất lượng. Đối với thành phố, Thành ủy đã đề ra Chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2001 - 2006 (đã đào tạo được 254 thạc sĩ, tiến sĩ ở 14 quốc gia) và hiện nay, đang tiếp tục triển khai Chương trình đào tạo 500 thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2007 - 2010; đồng thời, thực hiện các chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp.

2.2. Mức đầu tư kinh phí cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học ngày càng tăng

Kinh phí cho nghiên cứu khoa học, từ 38,7 tỷ đồng năm 2000, chiếm 1,48% đã tăng lên 110 tỷ đồng năm 2005, chiếm 2,15% và năm 2008 là 155 tỷ đồng, chiếm 1,73% chi thường xuyên ngân sách thành phố.

Thành phố đã ban hành giải thưởng tặng cá nhân và tập thể các nhà khoa học có những nghiên cứu và đóng góp xuất sắc cho thành phố; hình thành các quỹ nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong giới trẻ; lập quỹ bảo trợ tài năng trẻ; hình thành chương trình “Vườn ươm sáng tạo khoa học - kỹ thuật trẻ” nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ trẻ cho thành phố.

2.3. Vai trò đội ngũ trí thức luôn được quan tâm phát huy

Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 16 tháng 7 năm 1999 để cụ thể hóa Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức thành phố; đồng thời quan tâm tạo điều kiện cho hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố và Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức đóng góp ý kiến với Đảng, chính quyền. Thành phố đã giao Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố làm chủ đầu tư một số dự án lớn, phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội, cung cấp những luận cứ khoa học, khách quan cho các cơ quan chuyên môn xem xét, phê duyệt các dự án quan trọng.

2.4. Không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và triển khai

Trên địa bàn thành phố hiện nay có trên 90 Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học và trên 50 trường đại học - cao đẳng, 400 Phòng thí nghiệm. Thành phố đã cấp kinh phí để nâng cấp nơi làm việc của các nhà khoa học như hoàn thành xây mới tòa nhà Viện Nghiên cứu xã hội thành phố và đang triển khai xây trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố và trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố; đã và đang triển khai xây dựng Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm công nghệ sinh học, các phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm thiết kế và chế tạo thiết bị mới phục vụ nghiên cứu khoa học kết hợp với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và giải quyết các vấn đề bức xúc của thành phố; xây dựng các đề án, dự án tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và thành lập một số Viện, Trung tâm nghiên cứu mạnh để thu hút trí thức kiều bào về làm việc, nâng cao năng lực của đội ngũ trí thức phục vụ phát triển thành phố.

3. Hạn chế, yếu kém và nguyên nhân

Nhìn chung, trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng thành phố trở thành thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại thì trình độ của đội ngũ trí thức thành phố vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và chưa ngang tầm với trình độ phát triển của các thành phố trong khu vực. Cơ cấu đội ngũ trí thức có những mặt bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính,... chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng; đội ngũ kế cận còn hụt hẫng; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế. Tinh thần hợp tác, gắn kết đội ngũ trong nghiên cứu khoa học nhìn chung còn yếu, do vậy chưa tạo nên được những thành tựu lớn trong khoa học. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, số công trình được công bố ở các tạp chí có uy tín trên thế giới và số sáng chế được đăng ký quốc tế còn ít. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn còn yếu trong dự báo và định hướng, chưa giải đáp thuyết phục được nhiều vấn đề do thực tiễn đổi mới đặt ra, chưa có những công trình sáng tạo lớn, nhiều công trình còn sơ lược. Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, còn ít tác phẩm có giá trị xứng tầm với những thành tựu của đất nước, thành phố và sự sáng tạo, hy sinh lớn lao của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lĩnh vực lý luận phê bình văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế.

Tỷ lệ giáo sư và cán bộ giảng dạy ở hệ cao đẳng, đại học có trình độ trên đại học vẫn còn thấp; tỷ lệ giảng viên trên sinh viên còn thấp; tỷ lệ các nhà khoa học trẻ, các văn nghệ sĩ trẻ tham gia các hội chuyên ngành còn ít (tại Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, số hội viên từ 50 tuổi trở lên chiếm gần 60%).

Một bộ phận trí thức còn thiếu ý chí phấn đấu, không thường xuyên nghiên cứu và học tập dẫn đến tụt hậu về chuyên môn, nghiệp vụ; một số giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý‎ thức trách nhiệm, có biểu hiện chạy theo bằng cấp, thiếu trung thực; một số trí thức trẻ chạy theo lợi ích trước mắt, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên về chuyên môn; một số có tư tưởng “sùng ngoại”, thiếu tin tưởng ở nội lực.

Nguyên nhân của những hạn chế

- Nền kinh tế nước ta vẫn trong tình trạng lạc hậu, trình độ khoa học và công nghệ còn thấp; việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống chưa cao; thị trường khoa học và công nghệ, sản phẩm văn học, nghệ thuật đang trong quá trình hình thành.

- Tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường đã ảnh hưởng khá mạnh đến hoạt động của trí thức, văn nghệ sĩ.

- Thành phố chưa có chiến lược tổng thể về đội ngũ trí thức; công tác thống kê, cập nhật đội ngũ trí thức thời gian qua chưa làm tốt, nên chưa xây dựng được lộ trình đào tạo, bồi dưỡng, phát huy đội ngũ trí thức trẻ một cách căn cơ. Chủ trương xây dựng thành phố trở thành thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại chưa được quán triệt trong chính sách đào tạo nguồn nhân lực.

- Về công tác lãnh đạo và quản lý, mặc dù thành phố luôn quan tâm và tạo điều kiện để phát huy đội ngũ trí thức, nhưng chủ yếu giao cho từng đầu mối quản lý theo lĩnh vực; các đầu mối quản lý cũng chủ yếu quản lý theo lối hành chính, không phù hợp với đặc điểm và tính đặc thù của lao động trí óc, lao động sáng tạo, chưa đề ra những biện pháp lâu dài. Cơ chế quản lý và chính sách phát triển khoa học, đầu tư nghiên cứu còn dàn trải; cơ chế quyết toán tài chính, phát huy kết quả công trình nghiên cứu,… chưa tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích giới trí thức tham gia sáng tạo.

- Một số cán bộ đảng và chính quyền chưa nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của trí thức; chưa coi trọng nguồn nhân lực có trình độ cao; còn có hiện tượng ngại tiếp xúc, đối thoại, lúng túng về biện pháp cụ thể phát huy vai trò trí thức trong phản biện những chủ trương, chính sách, những dự án do cơ quan lãnh đạo, quản lý đưa ra.

- Những cơ chế, chính sách đã ban hành chưa đủ mạnh để trí thức yên tâm cống hiến, phát triển; chưa có chính sách thỏa đáng tôn vinh các kết quả chuyên môn, nghề nghiệp; thiếu những cơ chế thích hợp để phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Môi trường hoạt động của trí thức còn nhiều hạn chế.

- Hệ thống giáo dục còn lạc hậu, nhất là ở bậc đại học còn bất cập, chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao, dẫn đến tình trạng sản phẩm đào tạo vừa thừa, vừa thiếu.

- Chưa có chính sách thỏa đáng để thu hút đông đảo trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, đào tạo, giải quyết những vấn đề bức xúc và cơ bản của thành phố.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA

Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nêu rõ vai trò của đội ngũ trí thức “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”. Để quán triệt và thực hiện có hiệu quả mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đề ra Chương trình hành động như sau :

A. MỤC TIÊU XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC

- Ðến năm 2020, xây dựng đội ngũ trí thức thành phố lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố theo hướng phát triển các lĩnh vực khoa học - công nghệ cao, tiếp cận nền kinh tế tri thức; gắn bó vững chắc giữa Ðảng và chính quyền với trí thức, giữa trí thức với Ðảng và chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí.

- Từ nay đến năm 2010, phấn đấu thực hiện có hiệu quả Chương trình đào tạo 500 thạc sĩ, tiến sĩ; đồng thời tiếp tục có chính sách và giải pháp nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng của đội ngũ trí thức thành phố trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ trí thức thành phố đến năm 2020.

B. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA

1. Tăng cường và nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng đội ngũ trí thức

- Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy và chính quyền về vai trò, vị trí quan trọng của trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; xác định công tác trí thức là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp; qua đó làm tốt công tác tư tưởng để đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc, đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo hoàn thành tốt trọng trách trong thời kỳ mới.

- Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố và Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố thường xuyên nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ trí thức, phản ảnh kịp thời, chủ động đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức.

- Các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tiến hành thống kê đội ngũ trí thức trên địa bàn, rà soát biện pháp và kết quả huy động, sử dụng trí thức trong thời gian qua tại địa phương, đơn vị; trong khu vực cơ quan Nhà nước, xem xét nghiêm túc, phân tích nguyên nhân kém thu hút trí thức được đào tạo căn cơ và hiện tượng “chảy máu chất xám” đội ngũ trí thức sang khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có yếu tố nước ngoài.

- Trong khu vực giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học cần tiến hành thống kê, phân tích trình độ đội ngũ, sự phân bố ngành nghề, đánh giá hiệu quả đào tạo, bố trí, sử dụng, tạo môi trường làm việc, đãi ngộ vật chất,… để xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức trong thời gian tới đúng với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chương trình hành động của Thành ủy.

(Giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố, các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở chỉ đạo thực hiện).

2. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ trí thức phát triển nhanh về số lượng và nâng lên về chất lượng

- Tổng kết Chương trình phát triển nguồn nhân lực, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực thành phố đến năm 2020.

- Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với nội dung, đối tượng đào tạo phù hợp nhằm bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố.

- Lập quỹ nghiên cứu khoa học từ huy động nguồn lực của các doanh nghiệp để phát huy đội ngũ trí thức trong doanh nghiệp, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các trường, viện; khuyến khích lập quỹ đầu tư nguồn lực để doanh nghiệp cùng chia sẻ chi phí đào tạo với các trường cao đẳng, đại học.

- Thu hút các nguồn lực từ nước ngoài cho đào tạo đại học, sau đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, tạo ra cơ cấu lao động có trình độ tay nghề cao, có kỹ năng nghề nghiệp thành thạo và biết ngoại ngữ.

- Củng cố và phát huy vai trò của Hội đồng Đại học thành phố nhằm phối hợp trong dự báo nhu cầu, trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, tư liệu… có hiệu quả nhất.

- Tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng để phấn đấu đến năm 2020 thành phố có được đội ngũ cán bộ khoa học đạt trình độ chuyên gia quốc tế. Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn giỏi, những văn nghệ sĩ tài ba; đồng thời đào tạo đội ngũ trí thức giỏi làm công tác quản lý, tham mưu, hoạch định chính sách. Tăng cường đầu tư cho các trường trung học phổ thông chuyên để phát triển, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn đào tạo đội ngũ trí thức trẻ.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí cho cán bộ khoa học để nâng cao trình độ (dự hội nghị khoa học ở nước ngoài, thông báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, đăng ký patent ở nước ngoài, mua tạp chí khoa học,…).

(Giao Ban Tổ chức Thành ủy và Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp thực hiện)

3. Tạo lập, hoàn thiện môi trường để phát huy vai trò đội ngũ trí thức

- Phát huy dân chủ trong sáng tạo hoạt động khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ, tạo điều kiện để trí thức tự khẳng định, cống hiến.

- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn kết chặt chẽ với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ thành phố; hoàn thiện phương thức tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ theo cơ chế công khai, dân chủ dựa trên các tiêu chí lựa chọn rõ ràng; đồng thời phát huy cơ chế đặt hàng từ thực tiễn thành phố và giao nhiệm vụ căn cứ trên các lĩnh vực chuyên môn, áp dụng cơ chế khoán kinh phí nghiên cứu khoa học; có cơ chế đặc thù cho các nhà khoa học đầu ngành.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng trong việc thẩm định các đề cương sáng tác văn học - nghệ thuật; hỗ trợ kinh phí thực hiện sáng tác theo chủ đề phục vụ yêu cầu phát triển văn hóa của thành phố; quảng bá, trình diễn tác phẩm đã hoàn thành.

- Xây dựng cơ chế khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm lực của đội ngũ trí thức phục vụ phát triển thành phố, bao gồm liên kết giữa nghiên cứu và sử dụng, liên kết sử dụng chung cơ sở vật chất, hợp tác với nước ngoài.

- Tăng cường đầu tư phát triển tiềm năng khoa học - công nghệ, nhất là lĩnh vực công nghệ cao (thông tin, sinh học, tự động hóa, năng lượng, môi trường, vật liệu mới,…); có chính sách xã hội thu hút đầu tư cho khoa học - công nghệ.

- Thiết lập cơ chế tài chính phù hợp nhằm thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học giỏi (trong nước, trí thức kiều bào); cho phép cơ quan quản lý được quyền ký kết hợp đồng trực tiếp với đối tượng được sử dụng và mức chi trả theo thỏa thuận của hai bên; chi trả bản quyền sử dụng tác phẩm thỏa đáng.

- Đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc tri thức khoa học, chuyển giao công nghệ, thu hút nguồn lực nước ngoài phục vụ phát triển khoa học và công nghệ. Nghiên cứu cơ chế cho phép sử dụng trí thức nước ngoài tham gia quản lý các đơn vị nghiên cứu khoa học trong nước để tận dụng thế mạnh liên kết, mở rộng điều kiện học tập cho các nhà khoa học trong nước.

(Giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố thực hiện)

4. Thực hiện trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức

- Đổi mới công tác cán bộ đối với trí thức theo hướng nêu cao trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức khoa học và công nghệ, các trường đại học trong việc bổ nhiệm lãnh đạo và các chức danh trên cơ sở các tiêu chuẩn chung của Đảng và Nhà nước.

- Rà soát các chính sách hiện có và bổ sung, hoàn thiện, ban hành các chính sách mới theo thẩm quyền; đồng thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm trí thức được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị kết quả lao động của mình.

- Có chính sách ưu đãi, nhất là điều kiện làm việc đối với trí thức đầu ngành; thực hiện nghiêm các quy định, các chính sách về tuổi lao động và các chế độ khác để động viên và tiếp tục sử dụng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với những trí thức đã hết tuổi lao động, nhưng có trình độ cao và sức khỏe tốt; có chính sách ưu đãi đối với trí thức nữ và trí thức người dân tộc thiểu số.

- Thành lập và duy trì các giải thưởng chính thức của thành phố về khoa học - công nghệ và văn học - nghệ thuật.

- Xây dựng chính sách thu hút, tập hợp trí thức trong và ngoài nước, nhất là trí thức Việt kiều tham gia tích cực vào đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

(Giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy và các đơn vị liên quan thực hiện)

5. Tạo điều kiện để đội ngũ trí thức phát huy vai trò, trách nhiệm, góp sức vào sự nghiệp đổi mới và phát triển

- Xây dựng quy chế tiếp xúc định kỳ giữa lãnh đạo thành phố với trí thức, tạo điều kiện để giới trí thức trao đổi thông tin, góp ý kiến với lãnh đạo thành phố xây dựng các chủ trương, quyết sách và các biện pháp thực hiện những đề án ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích công dân và an sinh xã hội.

- Tiếp tục củng cố và tăng cường hệ thống tổ chức, hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố; nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội định kỳ; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các hội thành viên và kết nạp hội viên mới, trong đó chú trọng kết nạp trí thức trẻ, văn nghệ sĩ trẻ vào Hội. Mở rộng việc mời gọi chuyên gia đầu ngành tham gia tổ chức Hội và tăng cường trao đổi chuyên môn, truyền bá kinh nghiệm cho đội ngũ trí thức trẻ, văn nghệ sĩ trẻ.

(Giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố thực hiện)

- Thể chế hóa hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Xác định các định mức giá trị công trình, dự án bắt buộc phải được giám định xã hội hoặc các công trình, dự án quan trọng do Hội đồng nhân dân thành phố xem xét cần tổ chức phản biện xã hội. Thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ.

(Giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện)

6. Những nhiệm vụ cụ thể

- Đẩy mạnh các chương trình trọng điểm phục vụ phát triển các ngành công nghệ mũi nhọn của thành phố. Hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhân sự và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng của Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp kỹ thuật cao, Trung tâm công nghệ sinh học thành phố.

- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình xây dựng trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố và trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố hoàn thành vào năm 2010 để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các Liên hiệp Hội và các Hội thành viên.

(Giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo và kiểm tra thực hiện)

- Chỉ đạo, định hướng hoạt động thông tin trên các cơ quan báo chí nhằm tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức thẩm mỹ về văn học - nghệ thuật của công chúng, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân về hưởng thụ văn học - nghệ thuật nhân bản, phục vụ sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước do Đảng lãnh đạo; đồng thời tạo dư luận mạnh mẽ lên án, phê phán và đẩy lùi các loại văn hóa phẩm xấu, độc hại, đi ngược lại lợi ích, truyền thống, văn hóa dân tộc.

(Giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố thực hiện)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các ban Thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc Thành ủy hoàn tất tổ chức quán triệt Chương trình hành động của Thành ủy trong năm 2008; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể (hoàn thành cuối tháng 12 năm 2008), đảm bảo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa X và Chương trình hành động của Thành ủy sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.

2. Đảng Đoàn Hội đồng nhân dân thành phố, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố căn cứ Chương trình hành động của Thành ủy, rà soát các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ trí thức để đề xuất Trung ương hoặc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền các chính sách đặc thù của thành phố phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X và Chương trình hành động của Thành ủy (hoàn thành trước tháng 6 năm 2009).

3. Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với các ban Thành ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ Thành ủy và giúp Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức sơ kết vào các năm 2010, 2015 và tổng kết vào năm 2020./.

T/M BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ

BÍ THƯ

(Đã ký)

Lê Thanh Hải

Thông báo