Chủ Nhật, ngày 6 tháng 10 năm 2024

“Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long” – một tác phẩm nghiên cứu về nhân quyền có giá trị

Bìa sách “Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long”

(Thanhuytphcm.vn) - Tác phẩm Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long (gọi tắt là tác phẩm) của hai tác giả, hai nhà nghiên cứu nổi tiếng là TS., luật sư Phan Đăng Thanh và ThS., luật sư Trương Thị Hòa vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tái bản vào tháng 4/2024. Nhân dịp này, các tác giả cũng tập hợp các ý kiến về tác phẩm để đưa vào cuốn Công luận báo chí, giới nghiên cứu và bạn đọc bình luận tác phẩm “Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long” (gọi tắt là cuốn sách) với gần 30 ý kiến của nhiều giới về công trình mà hai tác giả đã “thai nghén” từ 30 năm trước.

Nội dung các bài viết trong cuốn sách được chia thành 3 phần: Phần 1 về công luận phản ánh ngay sau khi ra mắt tác phẩm. Phần 2 là báo chí phỏng vấn tác giả về quá trình nghiên cứu biên soạn tác phẩm. Phần 3 về việc Tạp chí Xưa và Nay tổ chức tọa đàm giới thiệu tác phẩm và một số tham luận của các nhà nghiên cứu. Chỉ trong khoảng 140 trang in, cuốn sách đã khái quát sinh động nội dung cũng như những luận điểm quan trọng của tác phẩm dày dặn hơn 450 trang.

Tác phẩm Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long sau lần xuất bản đầu tiên tháng 3/2023 đã nhận được nhiều bình luận, đánh giá của công luận thông qua báo chí, các nhà khoa học, giới nghiên cứu sử học, luật học và bạn đọc… Các ý kiến đều thống nhất khẳng định, dựa theo tiêu chuẩn quyền con người vốn là giá trị quý giá nhất của chung nhân loại – qua đó có thể đánh giá trình độ phát triển của mỗi dân tộc, chúng ta tự hào Bộ luật Hồng Đức như là bộ luật nhân quyền đầu tiên của người Việt mà vị vua thứ tư của triều đại Hậu Lê (1428 – 1789) là vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497, trị vì 1460 – 1497) đã dày công tổng hợp, sáng tạo nên. Vua Lê Thánh Tông xứng danh một chiến sĩ tiên phong vĩ đại của phong trào quốc tế vì quyền con người ở khu vực Đông Nam châu Á lúc bấy giờ, dù vào thế kỷ XV, khái niệm về nhân quyền chưa xuất hiện. Sau đó, nhà Nguyễn (1802 – 1945) đã tiếp tục kế thừa, phát triển bộ luật ấy thông qua Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long) – bộ luật cơ bản của triều Nguyễn do vua Gia Long trực tiếp chỉ đạo thực hiện và ban hành năm 1815. Cùng với nhiều văn bản khác có liên quan về nội dung này, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống nhân quyền lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Trong cuốn sách về công luận liên quan đến tác phẩm, hầu hết các đánh giá đều thống nhất với nhận định của hai tác giả là Bộ luật Gia Long không sao chép Đại Thanh luật lệ, không xóa bỏ tính tiến bộ của Bộ luật Hồng Đức mà còn kế thừa phát triển lên trình độ cao hơn về nhiều mặt góp phần xây đắp sâu sắc thêm truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Bộ luật Gia Long không mô phỏng hoàn toàn bộ luật nhà Thanh mà trong đó có sự kế thừa những điều khoản tốt đẹp của Bộ luật Hồng Đức. Hai tác giả đã phân tích những khác biệt giữa Bộ luật Gia Long và luật của nhà Mãn Thanh cũng như nêu ra từng lĩnh vực liên quan đến nhân quyền của Bộ luật Gia Long như đã từng được nêu ở Bộ luật Hồng Đức. Kết quả cho thấy, Bộ luật Gia Long đã kế thừa Bộ luật Hồng Đức trong 19 nội dung và phát triển Bộ luật Hồng Đức trong 12 nội dung khác. Bộ luật Gia Long cũng đã bỏ 38 điều luật trong tổng số 398 điều luật mô phỏng luật nhà Thanh và bỏ 1.219 điều lệ trong tổng số 1.765 điều lệ của Đại Thanh luật lệ.

Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn nhận định, tuy đây chỉ là tác phẩm làm sống lại một thời kỳ rực rỡ của luật pháp Việt Nam - tiêu biểu là Bộ luật Hồng Đức - song quá khứ vẫn không đứt đoạn với hiện tại mà là cơ sở để con người hôm nay suy nghiệm cặn kẽ hơn, sâu sắc hơn về xã hội mình đang sống. Hầu như mỗi điều khoản của luật pháp thời ấy đều gợi mở cho chúng ta nhiều điều đặc biệt vấn đề nhân quyền ở thế kỷ XV được các nhà quân chủ thể hiện trong nhiều lĩnh vực cụ thể của đời sống. Chính vì vậy, “ôn cố tri tân”, việc tìm hiểu tư tưởng về nhân quyền của cha ông có ý nghĩa sâu sắc đến việc liên hệ các vấn đề hiện nay.

Tác giả Trà Điêu thì nêu, gần 50 phần phân tích xoay quanh một trục chủ đạo chung được hai tác giả xác định từ đầu: vấn đề nhân quyền. Đó cũng là giá trị thực sự mới mà các tác giả đem đóng góp vào chuỗi quá trình nghiên cứu hai bộ cổ luật của Việt Nam. Đưa vào hệ quy chiếu của phạm trù nhân quyền, cả hai bộ luật nổi lên như những văn kiện mang tính nhân bản cao hơn so với mặt bằng quan niệm của thời điểm mà chúng được hình thành và được vận dụng. Từ góc độ lập pháp và hành pháp, phát hiện này có thể xem như một luận điểm hỗ trợ cho việc nghiên cứu rộng hơn đối với các khía cạnh khác của hai triều đại Hậu Lê và Nguyễn trong tiến trình lịch sử dân tộc.

bìa sách “Công luận báo chí, giới nghiên cứu và bạn đọc bình luận tác phẩm “Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long” bìa sách “Công luận báo chí, giới nghiên cứu và bạn đọc bình luận tác phẩm “Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long”

Hai tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa không chỉ rất nổi tiếng trong giới luật sư mà trong ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học lịch sử, nhất là về luật pháp, là giảng viên thỉnh giảng ở nhiều trường đại học, từng làm báo hoặc cộng tác với nhiều cơ quan báo chí lớn. Ở tuổi U80, ông bà vẫn miệt mài làm việc trên nhiều lĩnh vực. Nhiều năm qua, ông bà đã xuất bản một số tác phẩm nghiên cứu có giá trị, được công chúng đánh giá cao, như Chuyện xưa – Chuyện nay (năm 2010), Cải cách Hồ Quý Ly (2011), Các chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam xưa và nay (2012), Lược sử lập hiến Việt Nam (2013), Lịch sử lập hiến cách mạng Việt Nam (2014), Truyền thống luật sư Việt Nam (2014), Lịch sử nghề luật sư ở Việt Nam (2015), Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam (2 tập, 2017, 2019)…

TS Phan Đăng Thanh có lần chia sẻ với người viết: “Mình có tuổi rồi, ráng làm được việc gì thì làm, nhất là những việc mình yêu thích và có ích cho xã hội…”. Chỉ với tâm nguyện khá “đơn giản” đó, ông cùng vợ dự kiến tiếp tục công bố một số công trình nghiên cứu nữa dù bản thân đã từng trải qua một cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh!

Nguyễn Minh Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo