Thứ Bảy, ngày 18 tháng 1 năm 2025

100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận: Những điều còn mãi với thời gian

Giáo sư Hà Minh Đức nhấn mạnh: “Cù Huy Cận không chỉ là một nhà thơ. Ông là một nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị-xã hội với những dấu ấn quan trọng"

“Cù Huy Cận không chỉ là một nhà thơ. Ông là một nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị-xã hội với những dấu ấn quan trọng. Trong suốt cuộc đời, sự nghiệp của mình, nhà thơ đã trực tiếp góp mặt trong nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đồng hành cùng nhiều bước ngoặt quan trọng của lịch sử dân tộc,” giáo sư Hà Minh Đức (nguyên Viện trưởng Viện Văn học) chia sẻ.

Từ khởi nguồn văn chương…

Nhà thơ Huy Cận sinh ngày 31/5/1919 tại xã Ân Phú (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Theo giáo sư Hà Minh Đức, nhà thơ Huy Cận là một trong những đại diện tiêu biểu nhất, “kiện tướng” của phong trào Thơ Mới (1932-1945).

“Cặp bài trùng Xuân Diệu-Huy Cận thường được coi là cặp nghệ sỹ sáng giá nhất trong Thơ mới. Xuân Diệu thể hiện sự tươi trẻ, rất mới trong sáng tạo. Trong khi đó, Huy Cận khẳng định dấu ấn riêng với tiếng thơ trầm lắng, sâu sắc, gửi gắm nhiều nỗi niềm bâng khuâng, vui buồn của một hồn thơ đa cảm,” giáo sư Hà Minh Đức cho hay.

Trên thi đàn văn học Việt Nam, Huy Cận được mệnh danh là một nhà thơ đa tài. Theo lời kể của giáo sư Hà Minh Đức, nhà thơ Huy Cận biết làm thơ từ năm 14 tuổi. Đến năm 16 tuổi, ông đã có thơ được đăng trên báo và năm 20 tuổi, Huy Cận giới thiệu tới độc giả tập thơ đầu tay với nhan đề “Lửa thiêng.”

Ngay từ khi mới ra đời, tác phẩm có sự kết hợp nhuần nhị giữa chất cổ điển phương Đông và vẻ hiện đại phương Tây. “Lửa thiêng” đã khẳng định tài năng của Huy Cận, đưa ông trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới khi trào lưu thi ca này đang ở giai đoạn đỉnh cao với những tên tuổi như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu…

“Huy Cận không chỉ có nhiều sáng tác gây tiếng vang ở những thời điểm nâhts định. Điều quan trọng hơn là, ông khẳng định tài năng, tầm vóc với sức sáng tạo bền bỉ. Cuộc đời ông từ khi mới là chàng thanh niên mới biết làm thơ đến khi rời cõi tạm, về với đất mẹ bao dung là một hành trình sáng tạo không ngừng,” giáo sư Hà Minh Đức nhận định.

Sau năm 1945, nhà thơ Huy Cận bước sang một giai đoạn sáng tác mới. Từ nhà thơ của một vũ trụ buồn với “cái tôi” cá nhân nhiều bâng khuâng, xao động, Huy Cận đóng góp cho văn học Việt Nam những vần thơ giàu sức sống ngợi ca cuộc sống mới, sự đổi thay trên quê hương. Nói khác đi, sức sáng tạo bền bỉ của nhà thơ Huy Cận được nối dài từ  “Lửa thiêng,” “Kinh cầu tự,” “Vũ trụ ca” đến “Những năm sáu mươi,” “Trời mỗi ngày lại sáng,” “Đất nở hoa,” “Lời tâm nguyện cùng hai thế kỷ”, “Ta về với biển,” “Cha ông ngàn thuở”…

… đến những điều còn mãi với thời gian

Năm 2001, Huy Cận là nhà thơ Việt Nam đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Thơ thế giới. Điều đó không chỉ có ý nghĩa tôn vinh tài năng của nhà thơ Huy Cận mà còn thể hiện sự ghi nhận, vinh danh những đóng góp của thơ ca Việt Nam với thế giới.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Trần Khánh Thành (Đại học Quốc gia Hà Nội), dù ở giai đoạn nào, Huy Cận cũng luôn nặng lòng với quê hương, đất nước, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và mang khát vọng giới thiệu bản sắc văn hóa Việt với bạn bè bốn phương. “Trong những dịp đi nước ngoài, nhà thơ Huy Cận luôn mang theo những tác phẩm văn chương Việt, những món quà đậm hồn Việt như chiếc nón lá để tặng bạn bè quốc tế,” nhà nghiên cứu Trần Khánh Thành chia sẻ.

Bên cạnh vai trò một nhà thơ, nhà văn hóa, tác giả Huy Cận còn là một nhà hoạt động chính trị-xã hội với nhiều dấn ấn quan trọng. Ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia Mặt trận Việt Minh, hòa mình vào làn sóng đấu tranh của cả dân tộc từ năm 1941.

Nhà thơ từng đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Cuối tháng 7/1945, ông tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc. Từ đó cho đến lúc nghỉ hưu, ông liên tục giao nhiều trọng trách: Bộ trưởng Canh nông và Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Thứ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Văn hóa; Bộ trưởng Đặc trách công tác văn hóa-thông tin tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam…

Đặc biệt, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhà thơ Huy Cận là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời (gồm Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận) vào Huế để dự lễ thoái vị của vua Bảo Đại.

“Nhà thơ Huy Cận là một chứng nhân của lịch sử. Thế nhưng, dù ở cương vị, vai trò nào, người tiếp xúc với cảm nhận rõ nét ở ông vẻ giản dị, bao dung,” giáo sư Hà Minh Đức nói.

Trong Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu (do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng 30/5 tại Hà Nội), nhạc sỹ Cù Lệ Duyên (con gái cố nhà thơ Huy Cận) kể, từ nhỏ, bà thường thấy nhiều người khách lạ, không hề quen biết từ miền Trung ra Hà Nội chữa bệnh đến nhà tìm gặp cha mình. “Họ muốn nhờ cha tôi giúp đỡ, đơn giản vì họ biết ông là nhà thơ nổi tiếng. Cha tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ những người khách ấy trong khả năng của mình,” bà Lệ Duyên kể.

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng và thi ca, nhà thơ Huy Cận đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Theo VietnamPlus

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo