Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

50 tuổi đời, 50 lần “hiến máu cứu người”

Anh Nguyễn Trường An (áo vàng) đã có 50 lần hiến máu cứu người.

(Thanhuytphcm.vn) - Có 1 thời gian tôi được làm việc cùng cơ quan với anh, vẻ ngoài khắc khổ, nước da rám nắng, gương mặt lúc nào cũng nghiêm nghị, khó đăm đăm, người tiếp xúc, gặp gỡ lần đầu khó có thiện cảm và tôi cũng không ngoại lệ. Tôi không có chút thiện cảm gì với anh vì vẻ bề ngoài khó chịu, hiếm khi thấy anh nở nụ cười với mọi người xung quanh.

Nhớ lại ngày nhận quyết định chuyển công tác về cơ quan mới, ngày đầu tiên vừa dắt xe qua cổng bảo vệ là tôi đã bị anh nhắc nhở: Đề nghị chị “đậu xe đúng nơi quy định”, tôi đỏ mặt cười gượng và đáp nhỏ “dạ”, lòng thầm nghĩ: “Sao ông bảo vệ này khó chịu quá”...

Một lần tan làm, trời mưa như trút, tôi nán lại phòng bảo vệ, gặp anh vừa lên thay ca, để giết thời gian, tôi dành bắt chuyện, hỏi thăm về anh. Anh chia sẻ gia đình anh thuộc diện khó khăn, vợ chồng chia tay, một mình gà trống nuôi 2 con. Lương bảo vệ không đủ trang trải nhưng anh vẫn cố gắng xoay sở lo chu toàn, không bao giờ làm phiền người khác, tôi mới phát hiện một con người khác ở anh đó là: tuy cuộc sống khó khăn nhưng anh rất thẳng thắn, trung thực và vô cùng “tự trọng”.

Một lần, cơ quan vận động cán bộ, công chức tham gia hiến máu nhân đạo, tôi thoáng thấy anh ngồi trên xe hiến máu với vẻ thư thái an nhiên, bàn tay nắm bóp nhịp nhàng để những giọt máu từ từ chảy vào túi nhựa, gương mặt hơi tái xanh, tôi chợt quay đi nghe lòng xót xa... Lần nào cũng vậy, cứ có đợt hiến máu là tôi lại thấy anh tham gia, nhiều lần trò chuyện, tôi càng bất ngờ hơn khi được biết anh là một trong những thành viên rất tích cực trong “Đội hiến máu dự bị” của Quận, bất cứ khi nào, bất kỳ ở đâu, khi có người cần máu anh sẵn sàng tình nguyện tham gia “hiến máu cứu người”.

Anh kể nhiều hôm nhận cuộc gọi đột xuất từ Trung tâm y tế, Hội Chữ Thập đỏ hoặc cơ sở y tế báo “bệnh nhân cần máu gấp” là anh vội lao đi ngay. “Lúc đó trong đầu tôi chỉ là hình ảnh bệnh nhân đang nằm chờ máu chứ không còn nghĩ được gì khác nữa” - anh chia sẻ.

Nhiều lần bác sĩ bệnh viện hỏi anh tên tuổi, địa chỉ để sau này bệnh nhân cảm ơn, anh nhất định không cho địa chỉ, nơi công tác và chỉ yêu cầu bác sĩ ghi tên người hiến là “vô danh”... Tôi hỏi sao anh không để bệnh nhân được “cảm ơn”, anh trả lời đôn hậu: “Tôi hiến máu cứu người, không phải bán máu nên không cần họ trả ơn, nếu hiến máu để nhận lại quà cáp thì hiến máu sẽ không còn ý nghĩa nữa”.

Anh Nguyễn Trường An (trái) được tôn vinh vì nghĩa cử cao đẹp “hiến máu cứu người” Anh Nguyễn Trường An (trái) được tôn vinh vì nghĩa cử cao đẹp “hiến máu cứu người”

Tôi lo ngại hỏi: “Anh có tuổi rồi, ăn uống kham khổ, hiến máu nhiều lần như vậy có sợ ảnh hưởng đến sức khỏe không?”. Anh nở nụ cười hiền trả lời: “Máu còn sử dụng được thì còn hiến, cứu được người nào hay người đó, kẻ góp công, người góp của, mình không có của thì mình hiến máu, cảm thấy mình còn có ích cho mọi người, cho xã hội”.

Lần đầu tiên tôi thấy gương mặt và nụ cười của anh rất đẹp, vô tư kể về những lần hiến máu mà đôi mắt ấy cứ ánh lên niềm hạnh phúc, trái tim bao dung nhân hậu ấy cứ mãi suy tư trăn trở và tâm niệm: Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, vì “cho đi là còn mãi mãi”, nếu mỗi người cùng chung tay góp sức thì cộng đồng, xã hội sẽ ngày càng văn minh hơn, tốt đẹp hơn... Nghe anh nói chuyện chân phương mà tôi khâm phục và kính trọng, anh chỉ là một người bình thường, giản dị thôi, nhưng nghĩa cử cao đẹp hiến máu cứu người, “dám cho đi để ươm mầm sự sống” của anh thì không phải ai cũng làm được.

50 tuổi đời - 50 lần hiến máu cứu người, anh chính là Nguyễn Trường An, nhân viên bảo vệ Cơ quan Quận ủy Quận 1.

Kim Loan


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo