Thứ Hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024

Loạt bài “Tích cực thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”

Bài 2: Những quy tắc tiến bộ

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực của mạng xã hội. (Tranh minh họa)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu 4 quy tắc ứng xử chung áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng. Những quy tắc này xét tổng thể vừa phù hợp với thông lệ chung (kể cả với các nước), vừa phù hợp với các tiêu chí về “tiêu chuẩn cộng đồng” của các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, vừa đáp ứng được các yêu cầu riêng của môi trường mạng xã hội ở nước ta.

Thứ nhất, Quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật: tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tuân thủ pháp luật là yêu cầu tối quan trọng trong một xã hội thượng tôn pháp luật, một xã hội văn minh. Cho dù có sự khác biệt về nhận thức, lối sống, tôn giáo, văn hóa vùng miền… nhưng tất cả phải tôn trọng và thực hiện nền tảng chung là pháp luật. Pháp luật là quy chuẩn để mọi người điều chỉnh hành vi, đồng thời là căn cứ để đánh giá hoặc xử lý những ai vi phạm. Khi tuân thủ pháp luật thì đồng nghĩa với việc bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Với một số người, việc sử dụng mạng xã hội tưởng chừng “để chơi” và hoàn toàn mang tính cá nhân nên có thể cho rằng không cần yếu tố tuân thủ pháp luật. Thực ra, đó là một nhận thức đơn giản. Khi một người thực hiện bất kỳ hành vi nào không tác động hay ảnh hưởng đến ai thì hành vi đó có thể không cần pháp luật điều chỉnh. Nhưng sử dụng mạng xã hội trong nhiều trường hợp không phải là hành vi chỉ mang tính cá nhân mà có thể liên quan đến nhiều người khác. Giả sử ai đó đăng tải trên trang mạng xã hội của mình những nội dung, hình ảnh về mọi vấn đề nhưng để chế độ riêng tư (private), tức là không ai có thể tiếp cận được theo cách thức thông thường thì việc sử dụng đó có thể coi là việc cá nhân, không cần chú ý việc tuân thủ pháp luật. Nhưng khi các nội dung đó được để chế độ công khai (public), dù mở hoàn toàn hoặc chỉ dành cho bạn bè xem thì khi đó vẫn phải chú ý yếu tố phù hợp pháp luật.

Chẳng hạn, đến nhà người quen, nhìn thấy cháu nhỏ rất xinh xắn, một người chụp ảnh và đăng trên trang facebook của mình hình ảnh đó kèm theo lời khen mà không có sự đồng ý của cháu bé và người thân (cha mẹ hoặc người giám hộ) thì hành vi đó không đúng quy định của pháp luật. Bởi theo quy định của Bộ luật Dân sự, mọi người có quyền cá nhân về hình ảnh, việc sử dụng hình ảnh của bất kỳ người nào phải được sự đồng ý của họ, trừ những trường hợp có quy định khác của pháp luật. Bởi đối với việc công khai hình ảnh của cháu bé, có thể gây ra sự mất an toàn hoặc phiền toái không đáng đến với cháu.

Thứ hai, Quy tắc Lành mạnh: hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Không phải mọi điều phù hợp với pháp luật thì cũng có nghĩa là đã an toàn hoặc không ảnh hưởng đến người khác, bởi trong một số trường hợp, hành vi có thể không vi phạm pháp luật những vẫn không tốt, không hay, tức là không lành mạnh.

Yếu tố lành mạnh trên mạng xã hội thường gắn với sự “có ích”, “tích cực” hay “truyền cảm hứng”, “lan tỏa năng lượng tích cực”… Tức là, thông tin, hình ảnh đó không làm người tiếp nhận cảm thấy khó chịu, lo lắng, sợ hãi… hoặc liên quan đến những yếu tố về giới tính, tôn giáo, văn hóa, đạo đức… Dù biết rằng xã hội luôn tồn tại các mặt tích cực lẫn tiêu cực nhưng việc thông tin, miêu tả thực tế đó nên chú ý tính liều lượng và khả năng tác động.

Các quy tắc sử dụng mạng xã hội góp phần quan trọng vào việc tạo ra một “hành lang” phù hợp để người sử dụng an toàn, tích cực. (Tranh minh họa) Các quy tắc sử dụng mạng xã hội góp phần quan trọng vào việc tạo ra một “hành lang” phù hợp để người sử dụng an toàn, tích cực. (Tranh minh họa)

Thí dụ, một người đi đường nhìn thấy một vụ cướp làm một phụ nữ bị thương. Nếu việc miêu tả vụ việc ở mức khái quát và ít bình luận mang tính dẫn dắt người xem đến nhận thức lệch lạc thì có thể chấp nhận được. Nhưng giả sử, nếu người đó mô tả chi tiết việc tên cướp kéo lê người phụ nữ ra sao, bản thân chị ấy bị thương như thế nào, cùng thái độ hung hãn của tên cướp, sự thờ ơ của người xung quanh…, dù không phải là bịa đặt (tức không vi phạm pháp luật), thì cách đưa thông tin đó sẽ làm hoang mang người đọc. Và như vậy là không lành mạnh.

Thứ ba, Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin.

Trong môi trường mạng xã hội nói riêng và không gian mạng nói chung, vấn đề an toàn, bảo mật thông tin là rất quan trọng. Khi đăng ký tài khoản mạng xã hội, người dùng phải khai một số thông tin cá nhân, như tên, tuổi, nơi ở, nơi làm việc, số điện thoại, sở thích, trình độ… Bên cạnh đó, khi dùng thường xuyên, người dùng có xu hướng đưa những thông tin, hình ảnh khác, như ảnh bản thân, thông tin và ảnh của một số người thân, những nội dung mang tính quan điểm cá nhân, những hoạt động riêng… Những thông tin này, hình ảnh này nếu để chế độ công khai hoặc không được bảo mật phù hợp, trong trường hợp nào đó có thể bị sử dụng để gây mất an toàn thông tin.

Chẳng hạn, người sử dụng mạng xã hội đưa nhiều thông tin của cá nhân và người thân có thể bị kẻ xấu lợi dụng nhằm truy cập vào email, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, thậm chí xâm nhập nhà riêng, để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…).

Trên thực tế, một số người sử dụng mạng xã hội còn chưa quan tâm đúng mức vấn đề an toàn thông tin, như dễ làm người khác đoán được mật khẩu của một số tài khoản, đưa quá nhiều thông tin cá nhân và người thân, cập nhật dày đặc các hoạt động, dễ dãi chia sẻ các đường dẫn (link) mà không thận trọng tính xác thực hoặc tính an toàn của đường dẫn đó… Những điều này có thể gây mất an toàn thông tin và nhiều vấn đề khác của người sử dụng.

Thứ tư, Quy tắc Trách nhiệm: chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Trong một xã hội văn minh, hiện đại, yêu cầu về trách nhiệm của mỗi cá nhân luôn được đề cao. Một trong những yêu cầu được nhiều người đề cập là “trách nhiệm công dân”, tức là trong vai trò là công dân, mỗi người cần ứng xử, hành động sao cho phù hợp với điều kiện và lợi ích chung của cộng đồng, xã hội trong một bối cảnh nhất định.

Đối với việc sử dụng mạng xã hội, tính trách nhiệm cũng được đặt ra và đòi hỏi ngày càng cao. Điều này đặt ra yêu cầu mỗi người sử dụng mạng xã hội phải luôn cân nhắc, thận trọng với từng cập nhật của mình (thông tin, hình ảnh, đường dẫn…), sao cho có tác động tích cực, lan tỏa năng lượng tốt hay ít nhất là không gây ảnh hưởng tiêu cực đến người xem. Mỗi người nên có tâm thế đặt mình vào người tiếp nhận các trạng thái, thông tin, hình ảnh… (gọi chung là các status) để cân nhắc xem các status đó có tác động xấu đến ai không, nếu có thì tác động như thế nào, hoặc liệu có ích gì cho ai không… Tức là chúng ta luôn nghĩ đến vấn đề hậu quả của các status do mình đăng tải.

*

4 quy tắc của Bộ Quy tắc này thể hiện rõ tính tiến bộ, nhân văn và phù hợp thực tiễn của xã hội Việt Nam. Các quy tắc rõ ràng không nhằm “làm khó” người sử dụng mà chính là tạo ra một “hành lang” phù hợp để người sử dụng thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của mình nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân, tích cực cho người khác và cho xã hội. Khi đó, việc sử dụng mạng xã hội không chỉ để vui, để chơi mà còn để có ích nhiều mặt cho chính người dùng và cho nhiều người khác!

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo