Thứ Hai, ngày 13 tháng 1 năm 2025

Loạt bài “Tích cực thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội"

Bài 5: Cần sự tích cực và chủ động trong quá trình thực hiện

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Tính đến đầu năm 2021, Việt Nam có khoảng 66,72 triệu tài khoản facebook và là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất tại nước ta. Việt Nam hiện đứng thứ 7 thế giới về số người dùng facebook và nếu tính tỷ lệ người dùng trên dân số thì chỉ đứng sau Mỹ. Trong khi đó, số người dùng mạng xã hội vẫn đang tiếp tục tăng nhanh, không chỉ trên Facebook mà còn trên các nền tảng khác như YouTube, Google, TikTok, Instagram… Sự gia tăng này phản ánh nhiều vấn đề của xã hội, đồng thời cũng có thể tạo ra những tác động không lành mạnh đến đời sống, nếu không được điều chỉnh, quản lý phù hợp.

Khi xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, các nhà nghiên cứu và nhà quản lý đã có chủ ý tóm gọn nội dung bằng 4 chữ: Trọng - Trách - An - Lành.

Trọng: là tôn trọng pháp luật, tôn trọng người tham gia mạng xã hội, tôn trọng các quy định của nhà cung cấp dịch vụ xã hội để có các hành vi đúng đắn, hướng tới những điều tốt đẹp. Đó cũng chính là tôn trọng bản thân mình.

Trách: là trách nhiệm; người tham gia mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về các hành vi ứng xử trên mạng xã hội. Người tham gia dịch vụ cũng như các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

An: là an toàn và bảo mật thông tin. Người tham gia mạng xã hội phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn về vấn đề này một cách nghiêm túc.

Lành: là lành mạnh. Các hành vi ứng xử trên mạng xã hội phải phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, nước ta đã ban hành Luật An ninh mạng và những văn bản luật liên quan để điều chỉnh, xử lý các vấn đề về không gian mạng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những biểu hiện chưa đến mức vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng vẫn còn bất cập trong việc xử lý. Do đó, việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là có ý nghĩa quan trọng, vì nó góp phần truyền tải thông điệp năng lượng tích cực cho người dùng và giúp mỗi người tham gia mạng xã hội hiểu được sự cần thiết phải thay đổi thói quen và văn hóa ứng xử trên môi trường ảo nhưng có tác động đến xã hội thật, trở thành “công dân số” biết tôn trọng người khác và có trách nhiệm trong kỷ nguyên số. Đồng thời, qua đây, mỗi người dùng có thể được gợi mở nhiều vấn đề để tự điều chỉnh bản thân và tác động đến những người dùng khác hành vi, cách ứng xử phù hợp, tích cực trên mạng xã hội.

Bộ Quy tắc này dù không có tính bắt buộc thực thi như một văn bản pháp luật nhưng là căn cứ quan trọng và cần thiết để xây dựng quy định về ứng xử khi tham gia mạng xã hội của mỗi cơ quan, đơn vị, có tác dụng định hướng, giúp điều chỉnh hành vi của người dùng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, từng ngành, từng giới. Thí dụ, dựa vào Bộ Quy tắc, Hội Sinh viên Việt Nam hoặc hội sinh viên các trường đại học có thể xây dựng các quy tắc riêng của mình trong việc sử dụng mạng xã hội cho hội viên; UBND TPHCM có thể ban hành bộ quy tắc dành cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống chính trị và người dân của thành phố, bên cạnh quy tắc dành riêng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ…

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm các hiện tượng thiếu lành mạnh trên mạng xã hội. (Tranh minh họa) Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm các hiện tượng thiếu lành mạnh trên mạng xã hội. (Tranh minh họa)

Để Bộ Quy tắc này được phổ biến rộng rãi đến người dân, cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước, các địa phương phải chủ động triển khai đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Đồng thời, cần có sự chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là tổ chức đảng các cấp, cũng như việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên.

Trước hết, các cơ quan chức năng phải làm tốt công tác tuyên truyền về Bộ Quy tắc, trong đó nêu rõ các nội dung cơ bản, lý giải các nội hàm của những quy tắc, khuyến nghị các hành vi nên làm và cảnh báo các hành vi không nên làm, giới thiệu các cách làm hay, hiệu quả ở các địa phương, đơn vị... Trong yêu cầu này, thời gian qua, các cơ quan truyền thông đã đưa tin thường xuyên và liên tục về Bộ Quy tắc, sau đó được lan tỏa trên các fanpage của một số cơ quan, đoàn thể, trang mạng xã hội cá nhân… Qua đó, báo chí, các cơ quan truyền thông đã góp phần định hướng, giáo dục, khơi dậy được những cái tốt đẹp, văn minh của mỗi người trong việc sử dụng mạng xã hội, ít nhiều làm cho mọi người nhận thức rằng, mạng xã hội tuy ảo mà tác động không hề ảo...

Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội, nhà trường… phải góp phần truyền thông để mọi người, nhất là giới trẻ, nắm rõ các giá trị cốt lõi của Bộ Quy tắc. Từ đó, chủ động xây dựng bộ quy tắc riêng, phù hợp với đặc thù công việc cho từng tập thể, đơn vị, nhằm cụ thể hóa bộ quy tắc khung của Bộ Thông tin và Truyền thông thành những chỉ dẫn phù hợp với từng đối tượng, từng bối cảnh… theo hướng thiết thực, dễ áp dụng, để người dùng xem nó như “kim chỉ nam” khi tham gia mạng xã hội. 

Các tổ chức đảng cần thông tin và quán triệt trong đảng viên của mình những yêu cầu về việc thực hiện các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, đồng thời, phải thể hiện rõ tính gương mẫu khi làm “công dân mạng”. Các tổ chức đảng cũng cần giám sát và có biện pháp định hướng, giáo dục, thậm chí trong một số trường hợp cần thiết phải xử lý những cá nhân chưa tuân thủ, để mỗi người sử dụng mạng xã hội nhất định không vi phạm và phải thực sự có ích cho bản thân, cho người đọc, cho cơ quan, đơn vị và toàn xã hội.

Ngoài ra, trong điều kiện cụ thể, các đảng viên, các tổ chức đảng và nhất là các cơ quan truyền thông, cần tích cực phê bình, đấu tranh phản bác các ý kiến, luận điệu sai lệch, xuyên tạc về Bộ Quy tắc này, cũng như các nội dung có liên quan. Với những trường hợp chưa có điều kiện phản bác, cán bộ, đảng viên nên chủ động và kịp thời thông tin, báo cáo với cấp ủy, với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý phù hợp.

Cũng cần nhắc rằng, hiện nay, việc quản lý thông tin trên mạng xã hội đang thực hiện trên cơ sở các quy định của Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Đồng thời, tổ chức, cá nhân khi có hành vi vi phạm pháp luật tùy theo mức độ có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Vân Tâm

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo