Thứ Bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024

Bám sát từng gói thầu, dự án, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh từng dự án

Đồng chí Đặng Quốc Toàn trao đổi tại buổi họp báo.

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 3/10, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin – Truyền thông TP tổ chức, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã trao đổi một số thông tin liên quan đến tình hình giải ngân đầu tư công của TPHCM.

Làm rõ khó khăn, vướng mắc đến từng dự án

Đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, trong năm 2024, việc giải ngân đầu tư công được lãnh đạo TPHCM rất quan tâm và đã chỉ đạo nhiều giải pháp để thúc đẩy việc này. Trong đó, đã làm rõ khó khăn, vướng mắc đến từng dự án và chuyển nội dung này đến từng sở, ngành, đơn vị; đồng thời thành lập các tổ chuyên trách để trực tiếp theo dõi, rà soát từng dự án, báo cáo hàng ngày với UBND TPHCM; đề xuất khen thưởng đơn vị giải ngân tốt hoặc phê bình đơn vị chưa giải ngân kịp thời, thủ tục chậm trễ.

Tính đến hết tháng 9/2024, TPHCM chỉ mới giải ngân được hơn 20%. Lý giải về kết quả này, ông Phạm Anh Tuấn thông tin, trong tổng số 249.000 tỉ đồng TP phải giải ngân trong kỳ trung hạn 2021-2025, có 49% số vốn được giao giữa kỳ trung hạn. Thông thường, đối với các địa phương khác, toàn bộ số vốn trong kỳ trung hạn được giao trong đầu kỳ, nhưng đối với TPHCM, sau khi có Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, được cấp bổ sung thêm số vốn là 107.000 tỉ đồng và số vốn này được giao vào cuối năm 2023. Việc giải ngân đối với các dự án được giao vốn từ đầu kỳ đều đang đạt tiến độ thời gian. Đối với những dự án dùng vốn 107.000 tỉ đồng được bổ sung vào cuối năm 2023, thì phần lớn đang trong quá trình triển khai thủ tục, chưa đến thời điểm giải ngân số tiền lớn.

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư, trong số 79.000 tỉ đồng cần giải ngân trong năm 2024, thì có 33.000 tỉ đồng là tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, chiếm 38%. Từ đầu năm 2024, TP đã lập kế hoạch, thực hiện thủ tục để giải ngân phần vốn này vào quý 3 năm 2024, nhưng khi Luật Đất đai điều chỉnh thời gian có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thành ngày 1/8/2024 đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải ngân số vốn này, dẫn đến phần tiền dự kiến giải ngân cho giải phóng mặt bằng đạt rất ít. Các dự án thực hiện đến thời điểm phải bồi thường giải phóng mặt bằng, TP phải dừng lại để điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng chi phí giải phóng mặt bằng khi tính theo quy định mới.

Cùng với đó, một số dự án còn đang vướng mắc về mặt thủ tục, phải phối hợp với bộ, ngành trung ương để giải quyết với tổng số vốn đang bị ảnh hưởng là khoảng 10.000 tỉ đồng, chiếm 12,6% tổng số vốn. Thời gian qua, một số dự án phải dừng để điều chỉnh quy hoạch trong thời điểm TP đang điều chỉnh quy hoạch chung. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân với khoảng 4.600 tỉ đồng, chiếm khoảng 6% tổng số vốn.

Luật Đất đai cũng có một số quy định mới về đấu thầu cũng làm thay đổi quy trình thủ tục, điều kiện hồ sơ trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Do đó, nhiều đơn vị phải cập nhật lại để tổ chức đấu thầu theo quy định. Những dự án này bị ảnh hưởng bởi quy định này có vốn khoảng 9.400 tỉ đồng, chiếm khoảng 12% tổng số vốn phải giải ngân của TP...

Về nguyên nhân chủ quan, Sở Kế hoạch – Đầu tư cho biết, một số sở, ngành TP có khó khăn, chậm trễ nhất định trong việc phối hợp với nhau khi giải quyết thủ tục các dự án.

Đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư thông tin tại buổi họp báo. Đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư thông tin tại buổi họp báo.

Nỗ lực để đảm bảo chỉ tiêu giải ngân 95%

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư TP, thời gian tới, TP tham mưu cho UBND TPHCM thực hiện hàng loạt giải pháp để triển khai, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Chẳng hạn như xác định chi tiết cụ thể khó khăn, vướng mắc về nhiệm vụ đối với từng dự án ở từng sở, ngành; xác định tiến độ xử lý với từng việc, từng đơn vị. Lãnh đạo UBND TPHCM cũng quán triệt lãnh đạo các đơn vị thực hiện nghiêm tiến độ xử lý thủ tục từng dự án; thực hiện quyết liệt các giải pháp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo; tích cực phối hợp với bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án lớn.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm việc rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính; bám sát từng gói thầu, dự án, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh từng dự án… TPHCM sẽ tiếp tục rà soát, kịp thời tuyên dương đơn vị giải ngân tốt, phê bình, nhắc nhở đơn vị có kết quả chưa tốt và yêu cầu đơn vị bám sát, cập nhật kế hoạch giải ngân và đến thời điểm này lãnh đạo TPHCM vẫn kiên định với mục tiêu giải ngân đạt 95%.

Về nội dung này, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Đặng Quốc Toàn cho rằng, tốc độ giải ngân đầu tư công của TPHCM có chậm. Chính vì vậy, có liên quan đến trách nhiệm của các đơn vị. Đối với lĩnh vực đầu tư công hoặc các lĩnh vực khác mà khi tình hình không được tốt thì đều phải xem xét lại nguyên nhân, trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, tập thể… trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện, có một số đơn vị còn chậm và tùy theo mức độ để xử lý và thực tế đã có xử lý; đồng thời, có bố trí nhân lực để thực hiện tốt việc giải ngân đầu tư công trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng có những khó khăn do nguyên nhân khách quan. Đội ngũ đang rất nỗ lực để đảm bảo chỉ tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn như kế hoạch đã đề ra.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo