Tựa sách Bản đồ AI – Quyền lực, chính trị và sự tiêu tốn tài nguyên của hành tinh” (Thanhuytphcm.vn) – Nhân ngày Chuyển đổi số Quốc gia (10/10), Nhà Xuất bản Trẻ giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách nổi bật: Bản đồ AI – Quyền lực, chính trị và sự tiêu tốn tài nguyên của hành tinh”.
Đây là cuốn sách đã nhận nhiều giải thưởng, lý giải sâu sắc lịch sử và các khía cạnh gốc rễ của trí tuệ nhân tạo, cũng như những vấn đề mà nhân loại phải đối diện trong quá trình chuyển đổi số nếu không thực sự thấu hiểu.
Cuốn sách tái hiện lịch sử AI và những khía cạnh tác động quan trọng, sâu sắc nhất mà thậm chí ta, từ góc độ lập luận rằng việc giải quyết các vấn đề nền tảng của AI và lĩnh vực điện toán toàn cầu đòi hỏi phải kết nối các vấn đề về quyền lực và công lý, từ nhận thức luận đến quyền lao động, khai thác tài nguyên đến bảo vệ dữ liệu, bất bình đẳng chủng tộc đến biến đổi khí hậu.
Trong cuốn Bản đồ AI, tác giả lập luận và chứng mình rằng AI không nhân tạo cũng không thông minh. Nói đúng hơn, AI vừa gắn với con người vừa phụ thuộc vật chất, được tạo ra từ tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu, sức lao động của con người, cơ sở hạ tầng, hậu cần, lịch sử và cách thức phân loại. Các hệ thống AI không mang tính tự chủ, không lý trí và không có khả năng nhận thức được bất cứ điều gì nếu không được huấn luyện rộng và sâu về mặt tính toán với những bộ dữ liệu lớn hay với các quy tắc và phần thưởng được định sẵn.
Khi trình bày những thông tin về AI trong cuốn sách này như một tập bản đồ (Atlas), tác giả muốn đưa ra những góc nhìn đa dạng và sâu rộng, hơn là những gì truyền thông đề cập. Tác giả cho rằng con người cần một lý thuyết về AI bao hàm: Những quốc gia và tập đoàn phát triển và thống trị mảng này; hoạt động khai thác tài nguyên để lại những hậu quả tiêu cực trên trái đất để phục vụ hệ thống AI; những hình thức lao động ngày càng mang tính bất công và bóc lột đang xây nền tảng cho AI. Từ những góc nhìn đó, tác giả cũng nhắc đến nhiều kịch bản về cách AI sẽ được sử dụng trên thế giới trong tương lai.
Sách gồm có 6 chương. Chương 1 nhắc đến các mỏ lithium, một trong những nguyên liệu không thể thiếu để làm pin sạc, hay nói cách khác là cung cấp năng lượng cho lĩnh vực điện toán hiện đại. Từ đó, tác giả tiếp tục đào sâu về nhu cầu ngành công nghệ đối với tài nguyên thiên nhiên nói chung, lật mở chi phí thực sự của ngành này, và xét đến ảnh hưởng với hành tinh này. Trên truyền thông, ta thường không nghe nhắc đến những chi phí và hao phí tài nguyên cũng như nguy cơ ô nhiễm môi trường để duy trì những “đám mây”, hệ thống trả lời tự động hay là giải pháp “thông minh”, thường ta chỉ gắn những khái niệm đó với thuật toán và các nhà lập trình ngồi trước máy tính.
Chương 2 phân tích trí tuệ nhân tạo được tạo ra từ sức lao động của con người ra sao. Không chỉ là những người lập trình, mà vô số những người nhận mức lương bèo bọt để làm những tác vụ nhỏ giúp các hệ thống dữ liệu có vẻ thông minh hơn thực tế, ví dụ lọc video bạo lực, chỉnh sửa câu trả lời tự động… và bên cạnh đó là cách thức dùng AI để giám sát người lao động, coi họ như những cỗ máy. Ví dụ hệ thống lọc dữ liệu tự động vẫn cần người kiểm duyệt lại những nội dung vi phạm. Và đã có những nhà máy dùng AI để giám sát công nhân đến từng phút đi vệ sinh.
Chương 3 bàn về vai trò của dữ liệu: cách thức thu thập dữ liệu, những vấn đề pháp luật và đạo đức, những thiên kiến, cách thức làm việc với dữ liệu trong AI hiện nay, những hạn chế trong cách phân loại và dán nhãn, đi kèm đó là nguy cơ phóng đại sự bất bình đẳng.
Đây là tựa sách phù hợp cho những người quan tâm công nghệ và các vấn đề quốc tế, các cấp quản lý, doanh nghiệp và người làm chính sách công. Cuốn sách này cũng phù hợp với những người nghiên cứu xã hội học, bởi đề cập đến những khía cạnh gây tác động tới con người trong quá trình phát triển AI.