Chủ Nhật, ngày 15 tháng 12 năm 2024

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và giải quyết các mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp

Đồng chí Phạm Chí Tâm phát biểu tại tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 27/4, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp”. Đến dự có Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Phạm Chí Tâm.

Theo báo cáo của LĐLĐ TP, hiện nay đã có 2.790 thỏa ước lao động tập thể hết hạn, có 5.009 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở (CĐCS) nhưng chưa có thỏa ước; 14.392 doanh nghiệp chưa có CĐCS chưa có thỏa ước; 1.220 CĐCS thương lượng bữa ăn giữa ca từ 20.000-25.000 đồng/bữa… Trong đó, 1.896 bản thỏa ước đạt loại A, B và 258 bản thỏa ước có ký phúc lợi đoàn viên nhưng chưa nhiều so với số lượng CĐCS.

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng việc thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước chưa cao do các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có chế độ phúc lợi tốt cho công nhân, người lao động rất tốt nhưng vẫn không muốn ký thỏa ước vì sợ ràng buộc về pháp lý.

Một số ý kiến cho rằng, hiện nay một số cán bộ CĐCS chưa nghiên cứu sâu và pháp luật lao động, thiếu kỹ năng thương lượng. Đồng thời, nhiều cán bộ CĐCS kiêm nhiệm, hưởng lương trực tiếp từ doanh nghiệp nên còn ngại va chạm với người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, CĐCS thường xuyên biến động nên việc thương lượng, đàm phán, phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện thỏa ước chưa tốt. Ngoài ra, cán bộ CĐCS không giỏi ngoại ngữ của doanh nghiệp nên bị hạn chế trong việc thương lượng, ký kết thỏa ước…

Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm

Tại hội nghị, đa số các đại biểu kiến nghị các cấp công đoàn tăng cường công tác hướng dẫn, tư vấn cho cán bộ CĐCS nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thương lượng cùng doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật cũng như thương lượng, ký kết thỏa ước. Bên cạnh đó, ít nhất mỗi năm một lần tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị tổng kết để chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn…

Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Phạm Chí Tâm cho rằng, thương lượng tập thể được coi là chìa khóa giúp giảm thiểu và giải quyết mâu thuẫn, bất đồng tại mỗi doanh nghiệp. Đồng thời, thỏa ước có chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và giải quyết các mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp. 

Theo đồng chí Phạm Chí Tâm, hiệu quả đem lại rất lớn tuy nhiên đến nay việc đối thoại, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể vẫn chưa được người sử dụng lao động thật sự quan tâm, vẫn còn nhiều hạn chết và ít nhiều hình thức. “Đây chính là nguyên nhân khiến quan hệ lao động tại các doanh nghiệp chưa thật sự ổn định và quyền lợi người lao động chưa thật sự được đảm bảo, nhất là liên quan đến lương, thưởng, chính sách đãi ngộ…”- đồng chí Phạm Chí Tâm nhấn mạnh.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo