Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Bệnh viện đâu phải chỉ có niềm đau

Bác sĩ tại Phòng khám Linh Xuân (thuộc Bệnh viện TP Thủ Đức) đang khám bệnh cho một bệnh nhi. (Ảnh: Laodong.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Nhiều người khi nhắc đến bệnh viện thì đều thấy không có gì vui. Đó là nơi đến của những người bị bệnh tật, tai nạn, khiếm khuyết gì đó của cơ thể… Đó là nơi của mùi thuốc, mùi cồn; là nơi của những khuôn mặt nhăn nhó vì đau đớn, những khuôn mặt bệch bạc vì thiếu máu, những đôi môi nhợt nhạt vì mất hết thần sắc, những nụ cười méo xệch của người nhà đang lo lắng, vất vả… Đó là nơi của những “thiên thần áo trắng”, của những từ mẫu nhưng hiếm khi thấy được nụ cười của họ, không chỉ vì khẩu trang che lên mặt mà còn sự căng thẳng, nhọc nhằn của họ… Đó là nơi của những người vãng lai đến vội, đi vội để thăm viếng người bệnh, vẫn có ý khích lệ, động viên thì tiếng nói cũng nhẹ nhàng, tiếng cười cũng mim mỉm…

Nói chung, bệnh viện là nơi người ta phải kìm nén cảm xúc để đưa các cảm xúc về các cung bậc trung tính và dưới 0 trong chỉ số hạnh phúc… Đã gọi là bệnh viện thì hẳn phải là nơi tụ hội của những người bệnh, của các loại bệnh. Nơi đó làm sao mà vui cho được!...

Nhưng bệnh viện từng có tên khác là “nhà thương” cách gọi này thiệt hay. Trước hết đó là một cách định danh rất thuần Việt. Nhưng đừng hiểu nhà thương là nhà của các loại thương tật (nói chung là bệnh), là nhà của những người bị thương tật. Nhà thương phải là nơi của yêu thương, từ người thân của người bệnh, của những người bệnh với nhau, của những người chăm bệnh với những người bệnh khác hay giữa họ với nhau, của các bác sĩ và nhân viên y tế đối với người bệnh…, cho đến của mọi người trong cộng đồng dành cho người bệnh. Có lẽ khi đặt ra tên gọi này, ông bà ta đã nghĩ đến điều đó hay mong mỏi điều đó. Quả thật rất ý nghĩa và nhân văn!

Người ta còn có một vài cách gọi khác như “y quán”, “dưỡng đường”, “y viện”… mang ý chữa bệnh hơn là bộc lộ yêu thương như “nhà thương”. Hay có một số tên gọi của cơ sở y tế khác như “phòng khám”, “phòng mạch” và cũng có ý nghĩa như vậy. Rõ ràng “nhà thương” là cách gọi hay nhất, người nhất.

Bệnh viện là nơi trị bệnh cứu người không chỉ bằng thuốc thang, các cuộc phẫu thuật, các kỹ thuật điều trị khác… mà còn bằng tất cả tình thương của người thân, của các thầy thuốc và của cộng đồng. Bởi, thuốc men có thể chữa được bệnh tật về thể xác nhưng nếu không thể có tình thương để chữa được đau đớn về tinh thần thì người bệnh cũng khó thực sự lành bệnh. Vậy nên tình thương cũng là một phương thuốc điều trị hữu hiệu và giàu tình người.

Vẫn nhiều ngươi thấy rõ tình thương trong bệnh viện. Đáng nói nhất là của các thầy thuốc, bao gồm các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, hộ lý, nhân viên y tế khác, các nhân viên phục vụ… Họ đối mặt với tình trạng bệnh tật, các vết thương của người bệnh bằng sự ân cần, chăm chút, không chỉ không hề e dè, run sợ với máu mủ, vết lở loét, đờm dãi, vi trùng… mà còn phải chạm vào nó, rửa ráy, vệ sinh, cạo cắt… để người bệnh mau khỏi. Đôi khi chúng ta còn kinh hãi với máu hay vết thương của chính mình thì các thầy thuốc lại thản nhiên với nó, không chỉ vì họ đã quen với việc đó mà còn vì thiên chức cao cả của họ: các thầy thuốc không làm thì ai làm? Dù là một chức trách, nhiệm vụ hay thói quen của họ thì trong đó không thể thiếu tình thương của đồng loại, của các “từ mẫu”. Bởi thế người xưa đã gọi: “lương y như từ mẫu”; còn Bác Hồ thì nhấn mạnh đến tính chất nghĩa vụ, trách nhiệm của thầy thuốc, “lương y phải như từ mẫu”.

Ê kíp 2 bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 đang thực hiện ca thông tim xuyên tử cung cứu bào thai bị dị tật tim bẩm sinh đầu tiên tại Việt Nam, hồi tháng 1/2024. (Ảnh: BVCC) Ê kíp 2 bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 đang thực hiện ca thông tim xuyên tử cung cứu bào thai bị dị tật tim bẩm sinh đầu tiên tại Việt Nam, hồi tháng 1/2024. (Ảnh: BVCC)

Còn một tình thương khác là của cộng đồng xã hội đối với người bệnh. Ngày trước, một số tổ chức, cá nhân đã lập nên “nhà thương thí” để chữa bệnh miễn phí cho người bệnh nghèo. Đó là một nghĩa cử hết sức cao đẹp của những “người dưng” đối với các người bệnh khó khăn mà họ chưa hề quen biết. Trong “nhà thương thí”, các thầy thuốc còn thể hiện tình thương sâu sắc hơn bởi công việc của họ là vô tư, không vụ lợi và thể hiện sự hy sinh cao cả.

Hiện nay, cũng có nhiều người thể hiện tình thương đối với người bệnh, như phát cơm, cháo, thức ăn miễn phí cho cả người bệnh và thân nhân họ; tự nguyện chăm sóc người bệnh không có người thân; giúp viện phí cho người nghèo, cho bệnh nhân nan y, tặng quà trong các dịp lễ tết; giúp chỗ ở miễn phí cho người thân… Họ làm việc vì muốn chia sẻ nỗi đau với người bệnh, với sự vất vả, nhọc nhằn của thân nhân họ. Đó cũng là một sự hy sinh.

Đứng trước những tình thương vô bờ đó, chúng ta hẳn nên cúi đầu ngưỡng mộ. Đôi lúc chúng ta xúc động đến rơi nước mắt trước tấm lòng cao cả đối với một hoàn cảnh cụ thể nào đó, hay trước một câu chuyện đẹp như cổ tích. Trước những điều đó chúng ta có thấy vui không; câu trả lời của nhiều người hẳn giống nhau, không chỉ vui và còn cảm thấy cảm động, thấy được truyền cảm hứng.

Mà đâu chỉ có vậy. Trong bệnh viện, ta còn bắt gặp nhiều điều vui vẻ khác. Một trường hợp được chữa lành bệnh hẳn là niềm vui chung của người bệnh, thân nhân họ, của các thầy thuốc và nhiều người xung quanh họ nữa. Có khi một “ca khó” được cứu chữa thành công không chỉ là niềm vui riêng của những người vừa kể mà còn của cả ngành y tế, của cộng đồng xã hội… Có trường hợp còn được ghi vào lịch sử y khoa, coi như là một thành tựu chung của loài người. Vẫn niềm vui đó đã vượt ra khỏi biên giới địa phương, quốc gia…

Vậy nên bệnh viện đâu phải chỉ có niềm đau, nỗi buồn. Bệnh viện còn là nơi mang lại niềm vui cho nhiều người. Bệnh viện là nơi chứa đựng tình thương của cộng đồng, xã hội, của người thân…

Nguyễn Minh Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo