Thứ Năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024

Bổ sung dự án Luật Báo chí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết về việc bổ sung các dự án luật vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

* Kỳ họp thứ 9 dự kiến khai mạc ngày 20/5/2025

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 11/12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đề nghị bổ sung một số dự án luật, dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Cụ thể: bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp đối với Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Đồng thời, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đối với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Luật sư (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung dự án Luật Phá sản (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 năm 2025, thông qua tại kỳ họp tháng 10 năm 2025.

Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết bổ sung 4 dự án luật và dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với những lý do được nêu tại các tờ trình của Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao; đối với dự án Luật Luật sư (sửa đổi), tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chỉ thị số 33-CT/TW và Kết luận số 69-KL/TW của Ban Bí thư, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật.

Về thời điểm trình, đối với dự án Luật Luật sư (sửa đổi), đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị, chưa bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 mà sẽ xem xét, đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào năm 2026.

Tại phiên họp, UBTVQH thống nhất bổ sung 4 dự án luật (dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật Báo chí (sửa đổi), dự án Luật Phá sản (sửa đổi)) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Đối với dự án Luật Luật sư (sửa đổi), để ưu tiên các dự án luật có tính chất cấp bách hơn, bảo đảm chất lượng thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, UBTVQH ghi nhận đề xuất của Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tới yêu cầu đổi mới tư duy, quy trình xây dựng pháp luật. Đặt trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với nhiều vấn đề mới phát sinh, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, công tác xây dựng pháp luật phải kịp thời, khẩn trương, phúc đáp được đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, Bộ Tư pháp cần tham mưu Chính phủ, quán triệt các bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo kỹ lưỡng, chất lượng ngay từ khâu trình dự án Luật, dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, xây dựng luật theo tư duy đổi mới; tiến hành đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện; phân tích làm rõ các chính sách đề xuất đảm bảo tính khả thi, hiệu quả...

Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 8, chuẩn bị bước đầu cho kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV.   

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng đề xuất tiếp tục tổ chức theo 2 đợt (với khoảng cách 9 ngày giữa 2 đợt họp) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Dự kiến Quốc hội sẽ làm việc 26 ngày, trong đó đợt 1 chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp và thảo luận ở tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn. Đợt 2 chủ yếu Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở tổ về một số dự án luật và thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.

Thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, cần bổ sung cả nội dung, chương trình kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2 tới, có rất nhiều việc lớn phải làm.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu chuẩn bị sắp xếp chương trình kỳ họp Quốc hội một cách chặt chẽ, đặc biệt là công tác nhân sự phải được chuẩn bị “chặt chẽ, chu đáo nhất, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng”. Chính phủ cần hạn chế tối đa việc trình bổ sung nội dung phát sinh vào chương trình kỳ họp. Về thời gian, kỳ họp thứ 9 dự kiến khai mạc ngày 20/5/2025 và bế mạc ngày 30/6/2025, làm việc cả các ngày thứ bảy.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo