Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Bước chân vạn dặm của Bác Hồ…

Bác Hồ trên đường đi công tác ở Việt Bắc (năm 1949). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Bác Hồ là người hoạt động, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào Người cũng không chịu ngồi yên. Bắt đầu rời quê hương vào Nam, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã hoạt động, trải nghiệm trong rất nhiều môi trường, vừa để kiếm sống, vừa để học tập, vừa để trải nghiệm, vừa để trưởng thành. Rồi Bác ra nước ngoài, bước chân của Người thực sự đã in gần như khắp nơi trên thế giới.

Sau này có người đã đúc kết: “Đôi chân của Bác là đôi chân ngàn ngàn dặm”. Chẳng có ai trong thời đại Bác lại đi nhiều đến thế. Chỉ riêng trong thời gian chống Pháp, ở Việt Bắc, Bác đi rất nhiều. Anh em bảo vệ phục vụ Bác kể: Bác đi khiếp lắm, toàn đi bộ, thỉnh thoảng mới đi ngựa. Thoắt đã từ Tân Trào sang Thái, thoắt đã lên Tuyên, thoắt ngược Bắc Kạn... Vừa đi vừa làm việc, viết báo, viết sách... Cánh thanh niên theo được Bác còn đến "tết".

Thời gian ở Xiêm có ngày Bác đi bộ hơn 70 km đường rừng. Bác đi quen, sải chân đều, đúng giờ là nghỉ, hết giờ nghỉ lại đi, dù mưa bão, hễ đã định đi đến đâu là đến bằng được, ít khi lỡ bộ đường vì chủ quan. Ai đi theo Bác khi mệt mỏi, Bác mách cho cách xoa chân, nấu canh lá lốt rừng ăn cho đỡ mỏi... Còn đôi chân của Bác thì cứ như là chân thép”[1].

Như vậy, chúng ta hiểu rằng bước chân của Hồ Chí Minh vừa mang tính cụ thể vừa mang nghĩa ẩn dụ. Tính cụ thể là những bước đi bộ, cả thời kỳ bắt đầu hoạt động cho đến khi về nước lãnh đạo phong trào cách mạng, hay trong thời kỳ kháng chiến; cả đến những năm cuối đời Người còn tập đi bộ để có thể vào Nam động viên đồng bào Nam bộ đang chống Mỹ. Nghĩa ẩn dụ đó là những hành trình, những bước trưởng thành về nhận thức, tư tưởng, hành động, từ các bước dò dẫm, tìm kiếm đến khi khẳng định được con đường đúng đắn thì không ngừng bảo vệ nó, động viên toàn dân ủng hộ, đi theo con đường đó. Không có đi thì không bao giờ đến đích, không đi thì không thể phát triển, không thể trưởng thành.

Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp ở khách sạn Carlton tại nước Anh, năm 1913. (Ảnh: Tư liệu) Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp ở khách sạn Carlton tại nước Anh, năm 1913. (Ảnh: Tư liệu)

Chúng ta nhớ lại một trong những chặng đường đầu tiên của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh là khi lên tàu sang Pháp để “xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”: “Thành phải lao động quần quật từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối, người mệt lả và quần áo ướt đẫm mồ hôi. Có những việc mà Thành phải vận dụng toàn bộ sức lực và tinh thần mới hoàn thành được, như: vừa vác một bao nặng, vừa leo lên những bậc thang trơn trợt; có những cái chảo bằng đồng nặng đến nỗi Thành không thể khuân hay vác mà phải cột dây kéo lê trên sàn tàu… Đó là chưa kể những công việc phải làm liền tay, như quét dọn nhà bếp, đốt lửa trong các lò, xuống hầm lấy rau, thịt, cá, nước đá, rửa chảo, rửa nồi… Vả lại, chỉ riêng cái việc mỗi ngày Thành phải leo lên leo xuống hàng chục lần cái thang thổ tả có thể làm cho Thành trượt ngã không biết lúc nào, từ hầm thực phẩm lạnh buốt lên nhà bếp nóng nực, cũng đủ khiến cho Thành kiệt sức rồi…”[2].

Những bước chân nhọc nhằn đó giúp Người không chỉ đến nước Pháp mà còn bắt đầu dần tìm ra bản chất của chủ nghĩa thực dân, tìm ra nguồn gốc thực sự của mọi bất công, áp bức, như sau này Người nhìn nhận: “Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt”, “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”, rồi tự vấn: “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi “khai hóa chúng ta?”…

Những bước chân của Bác Hồ đã đặt Người đến hầu hết các nước đế quốc phát triển, cũng như đi qua nhiều quốc gia nghèo khổ, bị áp bức. Người cũng trưởng thành dần từ một người làm thuê đến một người viết báo, chụp ảnh rồi trở thành đảng viên Đảng Xã hội Pháp, Đảng Cộng sản Pháp… Nói gọn lại, trong 30 năm (1911 - 1941), Bác Hồ đã đến khoảng 30 quốc gia, 4 châu lục (chỉ chưa đến châu Úc), qua 3 đại dương. Người đi với chí lớn và hai bàn tay trắng. Suốt những chặng đường ấy, Người không ngừng tự học liên tục bằng mọi cách (ví dụ học tiếng Pháp với các thủy thủ trên tàu, đến Thư viện Bảo tàng Anh quốc, học từ người đi trước, từ đồng nghiệp khi làm báo, học ở trường lớp (Đại học Phương Đông)… Trong khi đó, Người vẫn theo đuổi mục tiêu chính là cứu nước (gây dựng cơ sở cách mạng trong Việt kiều, xây dựng các tổ chức cách mạng, hoạt động tích cực trong Đảng Xã hội Pháp, hoạt động cho Quốc tế Cộng sản, hỗ trợ cách mạng các nước bạn…).

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12/1920. (Ảnh: Tư liệu) Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12/1920. (Ảnh: Tư liệu)

Bởi vậy, có nhà nghiên cứu đã nhận xét: “Con đường cứu nước Hồ Chí Minh, một con đường không có tiền lệ trong lịch sử. Một con đường cuốn hút cả cuộc đời với bao sóng gió, gian nan, tôi luyện tạo nên một bậc vĩ nhân thời đại - Hồ Chí Minh - với một đức bao dung rộng lớn, suốt cuộc đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, phồn vinh của dân tộc, của đất nước. Con đường cứu nước của Người đã để lại cho hậu thế nhiều bài học sâu sắc về một con đường phát triển theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”[3].

Học và làm theo Bác Hồ, chúng ta có thể bắt đầu từ những việc giản dị đến những điều lớn lao, từ những điều cụ thể cho đến những vấn đề mang tầm khái quát… Chẳng hạn, mỗi ngày chúng ta thực hành việc đi bộ thay vì quá lệ thuộc vào xe cộ, nhất là khi đi những quãng ngắn, dưới điều kiện thời tiết phù hợp. Đó là một cách rèn luyện sức khỏe bởi đi bộ là một loại vận động thiết thực, có ích cho cơ thể chúng ta. Hay chúng ta tích cực làm các việc chân tay theo tình trạng sức khỏe của mình để chủ động trong công việc, để có thêm sự vận động, để làm gương cho nhiều người khác, nhất là người thân trong gia đình, hay với cấp dưới. Chúng ta cũng học tinh thần, thái độ “hay lam hay làm”, không thụ động, không lười biếng, không lánh nặng tìm nhẹ…

Ở khía cạnh khái quát, chúng ta học Bác Hồ tinh thần kiên định, bền chí vì mục tiêu, lý tưởng của mình; để đi đến đích, cần có kế hoạch để chia thành từng chặng ngắn với những mục tiêu, cách thức và lộ trình cụ thể. Trong suốt hành trình ấy, dù có sự tác động của các yếu tố khách quan thì vẫn phải nỗ lực, kiên trì để đạt được kết quả như mong muốn, không được bỏ cuộc, không được dễ dãi với bản thân. Khi thực tiễn thay đổi thì phải điều chỉnh các mục tiêu, cách thức, lộ trình sao cho phù hợp, miễn sao bảo đảm mục đích cuối cùng của mình…

Cho nên chỉ là câu chuyện đi bộ của Bác Hồ thì bản thân nó cũng đã để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc, ý nghĩa, cả trong sinh hoạt hằng ngày hay công việc ở cơ quan, đơn vị và về nhân sinh quan, lẽ sống của mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên. Những bước đi bộ của Người đã trở thành bước chân vạn dặm, làm thay đổi vận mệnh của một dân tộc, thì với chúng ta, mỗi bước chân có thể bắt đầu một hành trình có ý nghĩa cho bản thân, cho người thân, và còn có thể cho quê hương, đất nước. Điều quan trọng nhất là phải bước, phải đi, bởi có đi thì mới có đến, bởi mỗi hành trình vạn dặm thì đều bắt đầu từ bước đầu tiên!

Nguyễn Minh Hải

____________________

[1] Nguyễn Văn Khoan, “Phong cách Hồ Chí Minh”, Nhà xuất bản Trẻ, in lần thứ 3, 2023, tr.55.

[2] Mai Văn Bộ, “Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh”, Nhà xuất bản Trẻ, tái bản lần thứ 10, 2011, tr.26.

[3] TS. Phạm Ngọc Trăm, “Con đường cứu nước Hồ Chí Minh”, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, tái bản lần thứ hai, 2012, tr.180.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo