Thứ Sáu, ngày 10 tháng 1 năm 2025

 

 

Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định
Sức mạnh quật khởi của dân tộc

Khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25/8/1945. Nguồn: Ảnh tư liệu

Lời tòa soạn: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả đấu tranh lâu dài của nhân dân Việt Nam chống đế quốc thực dân, phát huy cao nhất truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc đã được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử; có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc ta và quốc tế sâu sắc. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám. Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố xin giới thiệu loạt bài viết của Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thắng lợi.

Bài 1: Ra sức khôi phục lực lượng, chuẩn bị tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Thành phố

(Thanhuytphcm.vn)- Ngày 8/2/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Sau một thời gian chuẩn bị, Người triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng tại Pắc Pó (Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, tập trung vào việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Với Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, ngọn cờ giải phóng dân tộc được Đảng ta giương cao hơn bao giờ hết; Mặt trận Việt Minh ra đời; chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang trở thành nhiệm vụ trung tâm; việc xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng được xúc tiến; việc chuẩn bị cho khởi nghĩa ở cả thành thị và nông thôn được đẩy mạnh.

Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, góp phần bổ sung và phát triển lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do Hội nghị Trung ương lần thứ VI đề ra. Cùng với Nghị quyết Trung ương VI, Nghị quyết Trung ương VIII có ý nghĩa lịch sử quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ở Nam Kỳ, Sau cuộc khởi nghĩa năm 1940, Xứ ủy và các cán bộ, đảng viên còn lại vẫn lấy Sài Gòn - Gia Định làm nơi trung tâm hoạt động. Tháng 2/1942, Trung ương cử liên lạc mang vào Chương trình Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh), thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào ngày 6/6/1941 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Ngày 12/2/1942, Thành ủy Sài Gòn đã cho in bằng chữ chì bản Tuyên ngôn của Việt Minh và thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc để phổ biến đến cơ sở và các tỉnh lân cận. Đầu năm 1943, ở Sài Gòn có hai lực lượng đảng viên hoạt động mạnh: một là của đồng chí Nguyễn Oanh, làm công tác gây dựng cơ sở, hoạt động trong nội thành; hai là của đồng chí Bùi Văn Dự do các đồng chí từ miền Tây Nam Bộ lên tổ chức, hoạt động chủ yếu ở vùng Bà Quẹo và ra báo “Giải phóng” theo kinh nghiệm làm báo “Chiến đấu”. Báo Giải phóng ra được 5 số thì bị địch phá vỡ và phần lớn các đồng chí bị bắt. Những người còn lại bắt liên lạc được với các đồng chí Hoàng Tế Thế (Sài Gòn), Nguyễn Thị Thập (Liên tỉnh ủy Mỹ Tho) lên, Lê Hữu Kiều (Hà Nội) vào, Hoàng Dư Khương, Lê Minh Định, Trần Văn Trà (từ miền Trung vào) móc nối với nhau để hoạt động và lại ra tiếp tờ Giải phóng, làm cơ quan ngôn luận, đã phát hành số 1 báo Giải phóng vào ngày 1/6/1943, số 2 ra ngày 1/7/1943 và liên tục cho đến gần ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) dù nhiều lần bị địch phá.

Trong thời gian này, Chấp hành Nghị quyết của Chi bộ Camp Tà Lài do đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư Chi bộ, vào tháng 3/1941 tám đồng chí được tổ chức vượt ngục để trở về hoạt động gây dựng lại cơ sở Đảng chuẩn bị lực lượng hành động theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VIII. Sáu đồng chí sau đó lần lượt bị địch bắt trở lại, chỉ còn hai đồng chí Dương Quang Đông (Năm Đông) và Trần Văn Giàu len lỏi thoát được để hoạt động.Từ giữa năm 1941, đồng chí Năm Đông đi móc nối đảng viên ở 21 tỉnh Nam Bộ. Đến tháng 10/1943, đồng chí triệu tập một cuộc họp ở Chợ Gạo (Mỹ Tho) để tổ chức Xứ ủy Nam Kỳ lâm thời, có đại diện của 11 tỉnh về dự và Hội nghị đã bầu đồng chí Dương Quang Đông làm Bí thư Xứ ủy lâm thời.

Như vậy, ngoài số đồng chí “Việt Minh Xứ” hoạt động theo chương trình Việt Minh của Trung ương gửi vào như đã nói ở trên, có cơ quan ngôn luận là báo Giải phóng, từ cuối năm 1943 có thêm tổ chức của các đồng chí Trần Văn Giàu,  Dương Quang Đông hoạt động với cơ quan ngôn luận là báo Tiền phong.

Đầu năm 1945, Đảng bộ Sài Gòn đã có tới hàng trăm đảng viên. Các tổ chức quần chúng của Đảng trong công nhân, thanh niên phát triển nhanh chóng. Đảng bộ đã thật sự được phục hồi và đang bước vào những ngày trực tiếp chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Thành phố từng ngày sôi nổi bước tới thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Đến tháng 4/1945, Xứ ủy Giải phóng lâm thời đã tổ chức được 10 Tỉnh ủy lâm thời và 6 Ban Cán sự tỉnh, họp Đại hội đại biểu tại Bà Điểm (Hóc Môn) lập ra Xứ ủy chính thức gọi là Xứ bộ Nam Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương do Lê Hữu Kiều làm Bí thư.

Đảng bộ tỉnh Gia Định được Xứ ủy Giải phóng trực tiếp chỉ đạo và được tăng cường nhiều cán bộ từ các nhà tù đế quốc trở về. Tỉnh ủy được củng cố, hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh xuống xã được kiện toàn. Các tổ chức cứu quốc (thanh niên, phụ nữ, nông dân…) được xây dựng và hoạt động sôi nổi từ tỉnh xuống thôn, xã.

Ngày 15/4/1945, Nam Kỳ Xứ bộ đại biểu Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương (Xứ ủy Giải phóng) ra Hiệu triệu[2] gửi quốc dân Việt Nam, các đảng phản đế, các đồng chí cộng sản, vạch rõ cuộc đảo chính của Nhật lật Pháp ngày 9/3/1945 là để Nhật nắm quyền bính ở Đông Dương, đừng tin vào lời tuyên bố Việt Nam độc lập của Bảo Đại và lời của Nhật Bản hứa cho Đông Dương được tự chủ.

Trong thời gian này Xứ ủy Tiền phong cũng được tăng cường với sự tham gia vào Xứ ủy của nhiều cán bộ Đảng kỳ cựu của Nam Kỳ như: Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Kỉnh, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tây (Thanh Sơn)… Cuối năm 1943, Xứ ủy tổ chức lại Đảng bộ Sài Gòn, thành lập Ban Cán sự Thành do đồng chí Trần Văn Giàu - Bí thư Xứ ủy trực tiếp phụ trách.

Nhờ có sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Tiền phong, có phương hướng và nhiệm vụ rõ ràng, Đảng bộ Sài Gòn đã nhanh chóng được khôi phục. Nhiều Chi bộ và đảng viên lâu nay ẩn tránh đã hoạt động trở lại như Chi bộ Phú Lạc, FACI, cơ sở Đảng ở Bến Tàu, Xóm Chiếu, Khánh Hội… Một số cơ sở Đảng bị phá vỡ ở quận 5, quận 11 cũng được phục hồi trở lại. Các tổ chức như Công đoàn, Ái hữu do Đảng xây dựng trước đây, nay cũng lần lượt được phục hồi.

Xứ ủy và Ban Cán sự Thành đã đưa những đảng viên có năng lực đến với lực lượng thanh niên yêu nước bao gồm học sinh, sinh viên, trí thức đang tập họp trong nhóm báo Thanh niên, lôi cuốn thanh niên về phía Đảng Cộng sản và sẵn sàng hoạt động theo Đảng. Trong tháng 5, tại Gia Định, Xứ ủy Tiền phong tổ chức một Tỉnh ủy do đồng chí Phạm Văn Khung làm Bí thư, hoạt động chủ yếu trên địa bàn vùng Gò Vấp và một phần Thủ Đức.

Xứ ủy Tiền phong đặc biệt ra sức phát triển lực lượng cách mạng ở Sài Gòn để đủ sức đương đầu với kẻ thù ngay trong trung tâm đầu não của chúng. Tháng 5/1945, Ban Cán sự Thành được tăng cường và do đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh làm Bí thư.

Vào cuối tháng 3/1945, Ida - Quyền Tổng trưởng Thanh niên - Thể thao Đông Dương, thân chủ của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ngỏ ý mời bác sĩ đứng ra thành lập một tổ chức thanh niên và để cho bác sĩ được quyền quyết định về tổ chức, tên gọi, tôn chỉ mục đích, nội dung hoạt động. Sự gợi ý này của Ida nhằm tạo hậu thuẫn chính trị cho phát xít Nhật. Từ những kinh nghiệm hoạt động công khai hợp pháp trước và trong thời kỳ mặt trận dân chủ, và cũng nhằm “tương kế tựu kế”, Xứ ủy bí mật chủ trương giao cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nhận lời gợi ý của Ida đứng ra thành lập Thanh niên tiền phong tổ chức công khai. Xứ ủy cân nhắc phải gấp rút sử dụng hình thức công khai thì mới nhanh chóng phát triển lực lượng đủ sức áp đảo lực lượng thân Nhật[3] và phải tính đến lực lượng thân Pháp đang nằm im, khi thời cơ khởi nghĩa đến và đang đến rất nhanh. Nếu không thì sẽ “trễ tàu”.

Với sự chuẩn bị hết sức khẩn trương từ tháng 5 đến ngày 1/6/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong chính thức ra đời. Xứ ủy, Thành ủy bố trí đảng viên, cán bộ cốt cán nắm những vai trò, vị trí then chốt trong Thanh niên Tiền phong.

Cơ sở Đảng, lực lượng, tổ chức của quần chúng trực tiếp chịu sự lãnh đạo của Đảng hay chịu ảnh hưởng của Đảng phát triển hết sức thuận lợi trước thời cơ mới. Ban Thường vụ Trung ương Đảng theo dõi hoạt động của Đảng bộ Nam Kỳ và qua bài vở trên hai tờ báo Tiền phong và Giải phóng, có uốn nắn những lệch lạc, đồng thời thúc đẩy việc thống nhất về tổ chức giữa Tiền phong và Giải phóng. Tháng 7/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng cử đồng chí Bùi Lâm vào nắm tình hình, truyền đạt ý kiến của Trung ương giải quyết những khó khăn về tổ chức của Đảng bộ Nam Bộ. Trung ương đã mời mỗi Xứ ủy cử 2 đại biểu ra họp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội sắp tới.

Mặc dù Đảng bộ Nam Kỳ chưa thực hiện được sự thống nhất về tổ chức, nhưng trên thực tế cán bộ, đảng viên của Xứ ủy Giải phóng và Xứ ủy Tiền phong đều thể hiện quyết tâm phấn đấu chạy đua với thời gian để phát triển lực lượng cách mạng, nhằm mục tiêu chung kịp đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.

Giữa lúc lòng dân đang hừng hực khí thế đòi độc lập, thống nhất Tổ quốc, tin thắng trận của quân đội Xô Viết, của quân Mỹ - Anh được dồn dập đăng trên báo và tin hoạt động chính trị, quân sự thắng lợi của Việt Minh trên miền Bắc càng nâng cao niềm tin của nhân dân. Nhất là tin phát xít Ý, phát xít Đức đã chấp nhận đầu hàng không điều kiện ngày 9/5/1945, tin phát xít Nhật thất bại thảm hại ở Thái Bình Dương, Đông Nam Á, cả trên lục địa Trung Quốc khiến cho người dân bình thường cũng nhận ra sự sụp đổ của phát xít Nhật được tính từng ngày. Trước thời cơ có một không hai này, “Ở Sài Gòn nói riêng, ở Nam Bộ nói chung, Đảng Cộng sản thực sự trở thành lực lượng có tổ chức mạnh hơn so với các đảng phái khác cộng lại”[4].

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

------------

[1] Trong đêm 9/3/1945, cùng một lúc trên toàn cõi Đông Dương, Nhật đồng loạt nổ súng đảo chính lật đổ Pháp

[2] Bản Hiệu triệu gốc được viết bằng mực xanh trên 7 trang giấy cỡ 13,5 cm x 21,5 cm, hiện lưu tại Kho Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Hà Nội. Tập Xứ ủy Nam Kỳ, hồ sơ 23.

[3] “... các đảng phái, giáo phái thân Nhật hoạt động rất mạnh, họ có quần chúng không phải là ít. Cao Đài, đảng Quốc gia và đảng Quốc gia độc lập đã có thể tập hợp vài vạn người ở vườn Ông Thượng (nay là công viên Tao Đàn) để trễ tràng hoan hô “nghĩa cử” của Nhật. Phe thân Nhật lập khá nhiều tổ chức quân sự và bán quân sự được Sở Hiến binh Nhật bảo trợ; riêng lực lượng Cao Đài phe Trần Quang Vinh có quân số đến vài chục ngàn..., chưa kể số mấy nghìn người xẻ gỗ đóng tàu ở dọc Kinh Đôi từ Bình Tây vào Tân Thuận. Xét tương quan lực lượng thì tổ chức thuộc phe thân Nhật 10, phe cách mạng được 1”. Sđd, tr. 645.

[4] Giáo sư Trần Văn Giàu, Sđd, tr. 649.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo