Thứ Sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024

Cần bảo đảm tính khả thi thực hiện các chính sách đối với nhà giáo khi Luật Nhà giáo ra đời

Toàn cảnh phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 25/9, tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo.

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho biết, dự án Luật Nhà giáo cụ thể hóa 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, các phụ cấp khác. Giáo viên mầm non, giáo viên trường lớp dành cho người khuyết tật được nghỉ hưu trước 5 năm nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mầm non và phù hợp với hiện trạng, điều kiện lao động của giáo viên mầm non…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng

Nêu ý kiến thẩm tra sơ bộ về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật này và cho rằng chỉ cần điều chỉnh các luật đang áp dụng cho đối tượng nhà giáo. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cơ bản thống nhất với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; tuy nhiên, còn một số ý kiến băn khoăn về việc đưa nội dung về tôn vinh, khen thưởng vào phạm vi điều chỉnh của Luật này; cần xác định rõ đối tượng áp dụng cho từng nhóm chính sách đặc thù để bảo đảm tính khả thi.

Về nguồn lực bảo đảm thi hành Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, dự thảo Luật quy định nhiều chính sách liên quan tới nguồn lực, nhất là về tài chính; do vậy, cần đánh giá tác động đầy đủ, dự báo chi tiết về nguồn lực, nhân lực và các điều kiện để bảo đảm tính khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Về chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, Thường trực Ủy ban đồng tình cần có chính sách tiền lương cho nhà giáo nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương này cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương; tránh cách hiểu sẽ có một thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo. Đồng thời cho rằng cần có chính sách hỗ trợ và chính sách thu hút nhà giáo, tuy nhiên cũng cần đánh giá tác động, xác định đối tượng nhà giáo được thụ hưởng, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách…

Về độ tuổi nghỉ hưu, cơ quan thẩm tra và các ý kiến thành viên UBTVQH bày tỏ đồng tình với quy định giáo viên mầm non, giáo viên trường lớp dành cho người khuyết tật được nghỉ hưu trước 5 năm theo quy định về tuổi nghỉ hưu.

Thảo luận về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Quốc hội đã ban hành cho ngành giáo dục 3 luật lớn. Tại báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nêu rõ hai luồng ý kiến khác nhau về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Luồng ý kiến thứ nhất, cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật, tuy nhiên, cũng còn ý kiến băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật này. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, cơ quan chủ trì soạn thảo cần viết lại để xây dựng được một dự án Luật điều chỉnh bao trùm các đối tượng nhà giáo trong mọi cấp, mọi ngành, giáo viên ở phổ thông, giảng viên đại học, trường nghề, cũng như trong các lĩnh vực.

Nhấn mạnh đây là một dự án Luật mới hoàn toàn với 71 điều, 9 chương, Chủ tịch Quốc hội gợi mở: cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc viết gọn lại, cần nghiên cứu đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành cơ chế, chính sách gì để điều chỉnh với lĩnh vực công, tư, với các nhóm đối tượng. “Luật mới nên phải có quy định mới hoàn toàn, không trùng lặp với các luật khác”, Chủ tịch Quốc hội nói. Luật Nhà giáo phải tiếp cận thận trọng, có đột phá về chính sách với nhà giáo, nhưng cũng phải đảm bảo không phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Nêu ý kiến tại phiên họp, về nội dung về đánh giá nhà giáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, mặc dù dự thảo Luật đã quy định khá đầy đủ về nội dung, mục đích đánh giá nhà giáo, tuy nhiên, phương thức, cách thức để đánh giá nhà giáo lại chưa thấy được đề cập. Nhấn mạnh đây là một nội dung khá nhạy cảm và khó, đồng chí Bùi Văn Cường đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần có sự nghiên cứu kỹ càng để đảm bảo tính thống nhất trong cả nước, không để mỗi nhà trường tự quy định khác nhau. Cần có quy định thống nhất áp dụng trong cả nước; học sinh, sinh viên là đối tượng đánh giá rõ nhất chất lượng của nhà giáo.

Trưởng Ban công tác Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, việc đánh giá giáo viên là hết sức nhạy cảm và băn khoăn liệu việc đánh giá như vậy có gây áp lực lên giáo viên quá hay không? Phương thức đánh giá như thế nào, ai là người đánh giá… cũng chưa được thể hiện rõ trong dự thảo Luật, do đó đây là điểm mới cần hết sức cân nhắc.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo