(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa có báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
Theo UBND TPHCM, trong thời gian qua, TPHCM đã có kế hoạch, biện pháp cụ thể đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục đào tạo; xác định được vai trò, nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc huy động các nguồn lực xã hội; phối hợp tốt giữa các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị trực thuộc thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước. Công tác quản lý sử dụng tài sản công được thực hiện thống nhất, gắn với trách nhiệm của từng lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và người lao động; luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm quyền, quy trình, thủ tục, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc, thông tin liên lạc của cơ quan, đơn vị tiết kiệm, đúng mục đích.
Nghị định số 127/2018/NĐ quy định đầy đủ, chi tiết, rõ ràng về trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND cấp huyện, cấp xã; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; Phòng Giáo dục và Đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước về giáo dục tại địa phương.
UBND TPHCM đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục. Cụ thể, về việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về giáo dục; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo, UBND TPHCM đề xuất các bộ, cơ quan ngang bộ cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.
Trong đó, cần hoàn thiện các quy định về phân cấp, phân quyền nhằm xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong thực hiện phân quyền, phân cấp, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ giữa các cơ quan của bộ máy nhà nước, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.
Bên cạnh đó, cần tăng quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục như tự chủ trong quản lý điều hành nhà trường, tự chủ trong việc huy động các nguồn tài chính hợp pháp.
Đối với các địa phương, đẩy mạnh hoạt động phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; thực hiện phân cấp quản lý đi đôi với kiểm tra, giám sát và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của các trường về tổ chức, bộ máy, quy mô phát triển, tài chính cũng như quản lý giáo dục.
Về việc xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và trách nhiệm quản lý theo ngành, lãnh thổ của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương; phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục, đào tạo, UBND TPHCM cho rằng việc này là cần thiết và cần nêu rõ tại các văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, quy định trách nhiệm, quyền hạn của các cấp cơ quan quản lý nhà nước; cần điều chỉnh quy định về nội dung quản lý giáo dục theo hướng quản lý nhà nước chỉ nên tập trung vào việc hoạch định chiến lược, quy hoạch, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật.