Tại hội thảo, ý kiến các đại biểu cho rằng quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là yếu tố quan trọng đảm bảo thực hiện quyền bình đẳng giới. Tuy nhiên, việc triển khai quy định này còn nhiều vướng mắc, bất cập. Bên cạnh đó, quyền tiếp cận đất đai đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ ngay cả khi tham gia các giao dịch thế chấp, tặng cho, cho thuê, chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai. Tất cả quyền lợi của người phụ nữ phải được giải quyết dựa trên quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng…
Điều bất cập là tình trạng đứng tên một bên trên giấy tờ cũng như giao dịch về đất, nhà vẫn phổ biến, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã dẫn đến sự bất bình đẳng về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ so với nam giới. Hệ quả là bất cập từ những quan niệm trong gia đình và xã hội nên người phụ nữ dễ mất quyền với đất đai trong phần lớn trường hợp, nhất là khi vợ chồng ly hôn…
Từ những bất cập trên, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ hơn nội dung về quyền về bình đẳng, bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai; đồng thời đề nghị bổ sung giao Chính phủ quy định theo hướng kiên quyết thực hiện cấp đổi từ GCNQSDĐ chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng sang GCNQSDĐ ghi họ, tên của cả vợ và chồng. Theo quy định hiện hành, trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ, chồng mà trên GCNQSDĐ đã cấp chỉ ghi tên một người thì công dân thực hiện thủ tục “cấp đổi” để được cấp GCNQSDĐ ghi họ, tên của cả vợ và chồng.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM Nguyễn Thị Thanh góp ý dự thảo luật. Để đơn giản hóa và thực thi có hiệu quả các quy định của pháp luật về Quyền về bình đẳng, bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM Nguyễn Thị Thanh đề nghị xem xét lựa chọn thống nhất một thủ tục hành chính để giải quyết vấn đề này. Mặt khác, cần tiếp tục thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc cấp GCNQSDĐ.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM Nguyễn Thị Thanh, Hội LHPN các cấp cần giám sát việc thực hiện các quy định trên đối với người sử dụng đất bị thu hồi đất là phụ nữ để đánh giá được tỷ lệ phụ nữ được thụ hưởng từ chính sách này. Các chính sách này không chỉ góp phần tạo nên hành lang pháp lý chặt chẽ về đất đai mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới mọi mặt đời sống của người dân…
Một số ý kiến cho rằng, việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất luôn phát sinh rất nhiều vấn đề liên quan. Trên thực tế, nhiều hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất không thực hiện được việc chuyển đổi ngành nghề, nhiều hộ gia đình, địa phương còn lúng túng trong việc xác định, lựa chọn ngành nghề để chuyển đổi, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất để thực hiện dự án khi dự án đi vào hoạt động.
Do đó, để thống nhất nhận thức và tránh phát sinh những bất cập trong quá trình thực hiện, dự thảo Luật cần làm rõ về mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi đất. Đồng thời, cần có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất; đồng thời, giúp các địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương…
Thạc sĩ Phan Thanh Minh góp ý dự thảo luật. Thạc sĩ Phan Thanh Minh, giảng viên Trường Đại học Lao động – Xã hội (Cở sở 2) cho rằng, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với người bị thu hồi đất thời gian qua từng bước hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, ổn định đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Do đó, Thạc sĩ Phan Thanh Minh kiến nghị cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”... Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định; việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội...
Đối với việc tính giá đất bồi thường, hoán đổi..., nhiều ý kiến cho rằng hiện tại không phù hợp với giá thị trường. Do đó, kiến nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung xác định rõ các nguyên tắc về công khai, minh bạch, về tham vấn ý kiến nhân dân... trong thực hiện quyền chủ sở hữu và quản lý nhà nước về quy hoạch, sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, quy trình hình thành giá đất theo thị trường; trong thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về đất đai. Đồng thời, quy định rõ hơn về kỳ quy hoạch, tăng thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước Quốc hội, HĐND các cấp trong việc giám sát; xây dựng tiêu chí cụ thể để làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch, khắc phục tùy tiện trong thực hiện…
Đối với vấn đề cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại Chương IX dự thảo, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, vấn đề này đã được chỉ đạo cụ thể tại Nghị quyết 18-NQ/TW về nhiệm vụ, giải pháp: “Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước. Nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật. Quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với các tổ chức tôn giáo phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương?”. Do đó, Khoản 3 Điều 120 dự thảo cần quy định rõ theo hướng mở rộng đối tượng cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm để phù hợp với chỉ đạo tại Nghị quyết 18-NQ/TW.