Chính phủ trình Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước, hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức KHCN công lập, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động KHCN trong doanh nghiệp, công nghệ chiến lược; cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu, tài chính và thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số chiến lược để tháo gỡ vướng mắc tạo cơ chế, chính sách vượt trội trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chính phủ đề xuất bổ sung quy định về miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ưu đãi thuế cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo…
Đoàn đại biểu TPHCM thảo luận tổThẩm tra về nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để ban hành nghị quyết. Về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ cơ quan nào quyết định cho tổ chức, cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự; cần quy định để xác định được tổ chức, cá nhân đã làm, đã nỗ lực hết sức, đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định nhưng vẫn xảy ra rủi ro…
Quốc hội sau đó thảo luận tại tổ về nội dung này. Các ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với việc ban hành nghị quyết nhưng cũng còn một số băn khoăn.
Tại đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) tán thành các chính sách thí điểm, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, vì trong quá trình nghiên cứu, sai số nhiều, rủi ro lớn. Tuy nhiên, cũng phải có phân loại, chỉ chấp nhận rủi ro với một số loại hình, tránh lãng phí. ĐB Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, tán thành việc cần có những chính sách mạnh mẽ, đột phá để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
ĐB Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCMTheo ĐB Phan Văn Mãi, đầu tư cho hoạt động KHCN có cả ngân sách và ngoài ngân sách, cần cơ chế để khuyến khích đầu tư, do đó, cần làm rõ vấn đề thương mại hóa kết quả nghiên cứu KHCN, tức thương mại hóa kết quả này. Ví dụ, sau khi nghiên cứu, sản phẩm được thương mại thì cần làm rõ đưa về Nhà nước bao nhiêu và bao nhiêu được đưa vào quỹ phát triển KHCN của đơn vị đó. “Cần mạnh dạn chỗ này, tránh việc nhà khoa học làm xong thì cho ngăn kéo. Khi sản phẩm của nhà khoa học được thương mại hóa, tạo nên trăm tỷ, ngàn tỷ đồng thì chúng ta không nên tiếc gì. Nếu chúng ta làm được cơ chế này thì nhà khoa học sẽ thực sự dấn thân, chúng ta cũng hướng đến hoạt động KHCN thực chất có thể sử dụng được, còn không sẽ chỉ dừng ở việc lấy tiền nghiên cứu là xong”, Chủ tịch UBND TPHCM nêu quan điểm và nhấn mạnh: Chúng ta cần mạnh dạn có cơ chế để đột phá, không nên quá sợ vấn đề lợi ích nhóm, nếu đủ bằng chứng tiêu cực, sai phạm thì xử lý, như thế mới đúng tinh thần khai phóng trong lĩnh vực KHCN.
Phát biểu tại thảo luận tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, nghị quyết này rất quan trọng và rất gấp. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, giá trị của KHCN ai cũng nhìn thấy, nhưng tại sao không phát triển được, là vì còn quá nhiều vấn đề, kể cả sửa Luật Khoa học công nghệ cũng chưa đủ để KHCN phát triển. Ví dụ vướng ở Luật Đấu thầu, nếu đấu thầu để mua đồ rẻ cho KHCN, tìm mua đồ rẻ thì Việt Nam sẽ thành bãi rác công nghệ. “Nếu bây giờ chúng ta đấu thầu, họ chắc sẽ tặng không cho ta luôn 5G, vì họ đã 20G, nhưng như thế là lạc hậu. Do đó, chúng ta phải đi tắt đón đầu trong KHCN, không thể lũi cũi đi sau thế giới. Chúng ta phải luôn biết mình đang ở đâu. Đầu tư cho KHCN không thể ưu tiên giá rẻ như quy định của Luật Đấu thầu, phải thoát ra, gỡ ở điểm này”, Tổng Bí thư dẫn chứng.
Ngoài ra, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, nghiên cứu khoa học cũng phải có thời gian, chấp nhận có sự mạo hiểm. “Nghiên cứu khoa học như miền đất hoang vu, không phải miền đất thênh thang mà ai cũng đến được, như vậy thì dễ quá”, Tổng Bí thư chia sẻ, và cho biết, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã nhìn thấy các vấn đề và nêu rõ quan điểm, đề ra các chính sách ưu tiên.
Tổng Bí thư tán thành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm trong 5 năm, sau đó tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện thể chế, trong đó có Luật Khoa học công nghệ để đồng bộ thể chế cho lĩnh vực.
Phát biểu tại thảo luận tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh, muốn phát triển nhanh, bền vững thì dựa trên KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan. Do đó, phải tháo gỡ trước hết về mặt thể chế để giải quyết trước mắt một số khó khăn, vướng mắc để Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đi ngay vào cuộc sống; tiếp theo phải sửa một loạt luật liên quan ngân sách, thuế, doanh nghiệp, KHCN… trong năm nay và năm sau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại thảo luận tổĐồng tình với ý kiến đại biểu Quốc hội các chính sách thiết kế cần cụ thể và rõ hơn nữa, Thủ tướng cho rằng, cần bổ sung 5 cơ chế đặc biệt, kèm với đó là có công cụ đặc biệt để kiểm soát nhằm tránh vi phạm, tiêu cực, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm. Trong đó, Thủ tướng cho rằng, dự thảo mới đề cập miễn trừ trách nhiệm cho người soạn thảo chính sách, nhưng khâu thực hiện khó, yếu. Do đó, nếu không có cơ chế đặc biệt bảo vệ người thực hiện có thể dẫn đến sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không muốn làm; nên cần thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro cho người thực hiện.
Theo Thủ tướng, quá trình thực hiện để tạo đột phá về KHCN phải chấp nhận rủi ro, thất bại, thậm chí phải trả giá nhưng quan điểm coi đó là học phí, để giải quyết. Loại trừ động cơ cá nhân, còn rủi ro mất mát do khách quan, người thực hiện vô tư trong sáng vì sự phát triển KHCN, vì sự phát triển của đất nước thì phải chấp nhận, coi đó như học phí để có thêm kinh nghiệm, bài học, bản lĩnh và trí tuệ để làm tốt hơn…