Thứ Sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024

Cần quy định cho phép ngành Giáo dục được tự chủ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng giáo viên

Quang cảnh dự thảo góp ý luật.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 24/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật Nhà giáo. Đồng chí Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo.

Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 Chương, 71 Điều được quy định cụ thể, đầy đủ về chính sách cho nhà giáo nhằm tạo điều kiện để nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp của mình như: tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; các chính sách hỗ trợ nhà giáo và thu hút người tài và giỏi vào công tác trong ngành giáo dục…

Có chính sách để giữ chân giáo viên ở các môn học khó tuyển dụng

Góp ý về tuyển dụng nhà giáo, các đại biểu cho rằng, quy định chưa khẳng định được tính thống nhất áp dụng chung một văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động tuyển dụng nhà giáo trong môi trường đào tạo của quốc gia, trong đó, có cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập. Theo đại biểu, pháp luật cần hướng tới sự bình đẳng trong quy định pháp luật để điều chỉnh các chủ thể tham gia quá trình tuyển dụng nhà giáo phục vụ tốt hơn công tác đào tạo trong xã hội chủ nghĩa pháp quyền Việt Nam hiện nay.

PGS.TS Hồ Xuân Thắng cho rằng, tuyển dụng nhà giáo là cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập lựa chọn người có phẩm chất, trình độ và năng lực, sức khỏe làm nhà giáo. Bên cạnh đó, hợp đồng dạy học cần sự thỏa thuận bằng văn bản giữa người đứng đầu cơ sở giáo dục với nhà giáo về nhiệm vụ, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong hoạt động dạy học.

Về chính sách tuyển dụng, sử dụng giáo viên, đại diện Cựu Giáo chức TPHCM cho rằng, công tác tuyển dụng giáo viên ở cấp quận, huyện hiện đang gặp khó khăn do phải thông qua Phòng Nội vụ. Việc tổ chức một kỳ tuyển dụng công phu, tốn kém, tuy nhiên, thực tế do quy định của ngành Nội vụ là cho phép tuyển dụng  bất cứ thời điểm nào, người tuyển dụng có thể tham gia tuyển dụng nhiều nơi nên các phòng giáo dục và đào tạo khi tuyển dụng rất bị động. Do vậy, Luật cần quy định tuyển dụng giáo viên mỗi năm một lần vào đầu năm học, hoặc thật cần thiết tuyển dụng thêm một lần nữa vào đầu học kỳ 2. Ngoài ra, cần có quy định ràng buộc khi đã trúng tuyển không được tham gia tuyển dụng ở quận, huyện khác trong năm đó để không gây xáo trộn trong đội ngũ.

Đồng chí Hà Phước Thắng điều hành thảo luận tại hội thảo Đồng chí Hà Phước Thắng điều hành thảo luận tại hội thảo

Một số ý kiến cho rằng, cần quy định cho phép ngành giáo dục được tự chủ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng giáo viên; đồng thời, cần có chính sách để thu hút và giữ chân đội giáo viên ở các môn học khó tuyển dụng.

Cần có chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu

Góp ý về chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, một số ý kiến cho rằng, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để nhà giáo, nhà khoa học nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm nhà giáo, thỉnh giảng hoặc làm báo cáo viên.

Đối với chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, Th.S Đỗ Thị Lan Anh, đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM cho rằng, Luật Nhà giáo phải có nội dung cụ thể quy định mạnh mẽ hơn chính sách bảo đảm các điều kiện cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hoàn thành nhiệm vụ trong thực hiện chuyển đổi số về giáo dục. Bên cạnh đó, cần có chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu về phát triển giáo dục, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục và xây dựng xã hội học tập.

Góp ý về quyền của nhà giáo, PGS.TS Hồ Xuân Thắng cho rằng, cần nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật về nghiên cứu khoa học và sở hữu trí tuệ; được tham gia hoạt động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, trừ trường hợp bị hạn chế quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Góp ý về chứng chỉ hành nghề nhà giáo, một số ý kiến cho rằng, cần quy định về thời hạn cấp chứng chỉ, quy định rõ hơn về sử dụng chứng chỉ hành nghề, nhất là trong dạy thêm - học thêm…

Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM Trần Anh Tuấn cho rằng, Luật Nhà giáo cần xác định rõ thể hiện được vai trò quan trọng của nhà giáo trọng việc bảo đảm chất lượng giáo dục cũng như vị trí của đội ngũ này trong xã hội để được tôn vinh và đáp ứng quyền lợi cho xứng đáng. Trên thực tế, nhà giáo là người trực tiếp sử dụng các chính sách và chương trình giáo dục, có trách nhiệm truyền đạt kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh và tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển chương trình giáo dục thông qua các hoạt động chuyên môn để phát huy nhân cách và năng lực của người học.

Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM Trần Anh Tuấn góp ý dự thảo luật Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM Trần Anh Tuấn góp ý dự thảo luật

Góp ý về giáo dục nghề nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM Trần Anh Tuấn cho rằng, nhà nước chú trọng và quan tâm nhiều hơn khi vai trò, nhiệm vụ của lĩnh vực này là cung cấp nhân lực cho các ngành công nghiệp, công nghệ và dịch vụ của quốc gia. Do vậy, cần bổ sung các quy định rõ ràng về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn đối với nhà giáo và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp, nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy và quản lý; cần có các quy định về việc đào tạo liên tục và cập nhật kiến thức mới, đặc biệt là trong các ngành nghề đang có sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và kỹ thuật.

Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật này có quy định chuyển tiếp trong thực hiện chính sách nhà giáo để xử lý các trường hợp xảy ra trước ngày Luật Nhà giáo có hiệu lực. Nội dung chuyển tiếp liên quan đến tuyển dụng, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo, nghỉ hưu, cấp giấy phép hành nghề, chuẩn nhà giáo, chuẩn nhà giáo là người đứng đầu cơ sở giáo dục…

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo