Thứ Sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024

Cảnh báo nguy hiểm từ hành vi sử dụng điện thoại di động, các thiết bị nghe - nhìn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Tài xế sử dụng thiết bị điện tử khi tham gia giao thông. (Ảnh minh họa)

(Thanhuytphcm.vn)- Tối 12/10, Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) (PC08), Công an TPHCM cho biết, hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng internet, các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính bảng,… trở nên phổ biến. Chúng đem đến nhiều tiện ích cho người sử dụng, thậm chí trở thành một công cụ hữu ích hỗ trợ công việc, vì vậy được sử dụng rộng rãi và trở thành vật “bất ly thân” đối với một số người.

Tuy nhiên, khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, việc sử dụng các thiết bị nghe nhìn như điện thoại hay máy tính bảng để phục vụ nhu cầu giải trí, đàm thoại,… sẽ trở thành mối nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Theo PC08, các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn TP thời gian qua, trong các trường hợp gây tai nạn giao thông, nguyên nhân do người lái xe thiếu tập trung quan sát chiếm tỉ lệ khá cao, trong đó có hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Cụ thể, vụ việc xảy ra hồi 12 giờ ngày 12/10, tại trước số nhà 160, Tỉnh lộ 8, KP2A, Thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi. Theo đó, thời gian trên, xe ôtô đầu kéo biên số: 43H-070.01 kéo Sơ mi rơmooc biển số: 43RM-005.15 (chở container loại 40 feet có hàng bên trong) đã để đầu xe va chạm vào dải phân cách cố định bằng khung sắt giữa tim đường, sau đó xe tiếp tục lao qua trái đường (phần chiều đường ngược lại) đâm vào nhà dân làm đổ sập hoàn toàn căn nhà số 160 Tỉnh lộ 8, Khu phố 2A, thị trấn Củ Chi mới dừng lại. Người dân sống trong căn nhà số 160 không ai bị thương (lúc xảy ra tai nạn không có ai trong nhà). Hậu quả, chết 1 người về tài sản hư hỏng 1 xe ôtô đầu kéo; dải phân cách cố định bằng khung sắt và căn nhà số 160 bị sập hoàn toàn.

Theo Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng PC08, việc sử dụng các thiết bị nghe nhìn như điện thoại di động, máy tính bảng khi tham gia giao thông làm giảm đáng kể khả năng tập trung quan sát, phán đoán và tốc độ phản ứng của người lái xe.

Đối với xe máy, Thượng tá Đoàn Văn Quới cho biết, việc điều khiển xe bằng một tay thiếu chắc chắn và làm giảm khả năng linh hoạt điều hướng phương tiện so với điều khiển xe bằng cả hai tay. Hơn nữa, khi tay trái cầm điện thoại sẽ khiến người lái xe không thể sử dụng phương pháp phanh kết hợp ở xe tay ga. Khi sự cố bất ngờ xảy ra, thay vì sử dụng kết hợp phanh trước và sau đồng thời (phanh hai tay), người lái xe bị giật mình, sử dụng phanh trước (tay phải) mạnh và đột ngột, khiến xe dễ bị trượt bánh, quãng đường phanh dài, dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Hiện nay mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện như sau: Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng điện thoại di động. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính. Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe tô tô có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.

Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe ô tô còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng. Hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.

Theo Thượng tá Đoàn Văn Quới, việc sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe có mức độ nguy hiểm cao đối với cộng đồng. Do vậy, thời gian tới, PC08 sẽ tham mưu Công an TPHCM kiến nghị tăng nặng mức phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử khác khi đang điều khiển phương tiện tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

“Việc sử dụng điện thoại, các thiết bị điện tử khi lái xe không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là một hành động thiếu trách nhiệm, gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Hãy cùng nhau nói không với thói quen xấu này để góp phần xây dựng một môi trường giao thông văn minh và an toàn.”- Thượng tá Đoàn Văn Quới nhấn mạnh.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo