Thứ Năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024

Chính phủ ban hành Nghị quyết về khắc phục hậu quả bão số 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tình hình, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, thiên tai tại tỉnh Yên Bái, sáng 12/9

(Thanhuytphcm.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Nghị quyết nêu rõ, bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch. Thống kê sơ bộ đến ngày 17-9, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương… Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%...

Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khoảng 6,8-7%, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, 26 tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão số 3 thực hiện khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị, các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá. Mục tiêu là bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết; không để người bệnh thiếu nơi cứu chữa; các cháu học sinh phải được đến trường sớm nhất có thể; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất.

Cùng với đó, khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng, phục hồi của các địa phương, nền kinh tế trong năm 2024; làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở…, nhất là trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Nghị quyết nêu rõ phạm vi, đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất. Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10/2024; một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch-Đầu tư và các địa phương bảo đảm nguồn lực của ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Chính phủ đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3. Thứ nhất là nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân. Thứ hai, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân. Trong đó, Chính phủ nêu rõ, sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước để khẩn trương sửa chữa, sớm đưa vào sử dụng trở lại các công trình dân sinh, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, trạm y tế, thủy lợi.

Đối với các công trình trường học, cơ sở y tế bị hư hại nặng, không thể tiếp tục sử dụng, trước mắt dựng trường tạm để học sinh đến học tập ngay trong tháng 9, cơ sở y tế tạm để phục vụ khám, chữa bệnh; sau đó lên kế hoạch xây dựng lại những công trình không thể tiếp tục sử dụng. Bộ Giáo dục-Đào tạo, các địa phương thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trong năm học 2024-2025.

Thứ ba, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Chính phủ yêu cầu khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng nhà nước phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3; chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.

Chính phủ cũng nêu, nghiên cứu việc áp dụng giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất; cho phép cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương bị ảnh hưởng được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6/2025. Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành tạm ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các địa phương để các địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu việc gia hạn nộp bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại do cơn bão số 3.

Thứ tư là nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở… trong thời gian tới. Thứ năm, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ. Thứ sáu, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo