Thứ Sáu, ngày 3 tháng 1 năm 2025

Chính phủ trình nâng tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan quân đội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 28/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nhấn mạnh, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan; bảo đảm bí mật cơ cấu tổ chức của quân đội; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế công tác cán bộ của Đảng và quân đội.

Bộ trưởng khẳng định, cần sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam để bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tính chất, nhiệm vụ của quân đội “là ngành lao động đặc biệt”.

Đáng chú ý, Chính phủ trình nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm gồm: cấp úy là 50 tuổi; thiếu tá là 52 tuổi; trung tá là 54 tuổi; thượng tá là 56 tuổi; đại tá là 58 tuổi; cấp tướng là 60 tuổi. Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định, khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định không quá 5 năm; sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc ban hành luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Về các nội dung cụ thể, Ủy ban nhất trí việc bổ sung chức vụ, chức danh đối với cấp phó của cấp trưởng và tương đương; đồng thời cho rằng, Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện hành quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan là cấp trưởng, không quy định đối với cấp phó, nên việc xác định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó và sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy, quản lý gặp khó khăn, chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm và thực hiện chế độ chính sách đối với sĩ quan được bổ nhiệm chức vụ là cấp phó của cấp trưởng và tương đương.

Ủy ban cũng cơ bản nhất trí việc sửa đổi theo hướng nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, bảo đảm cho sĩ quan quân đội nhân dân tham gia đóng bảo hiểm xã hội đủ điều kiện được hưởng tối đa 75% lương theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ của đội ngũ sĩ quan còn nhằm phát huy năng lực, trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, góp phần giảm áp lực đào tạo cán bộ và phù hợp tính chất, nhiệm vụ của quân đội “là ngành lao động đặc biệt”.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Quốc hội sau đó thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM)

ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) ủng hộ sửa luật để từng bước đưa quân đội tiến lên hiện đại. Về tăng độ tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, ĐB Nguyễn Minh Hoàng cho biết cơ quan soạn thảo đã có quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng đề phù hợp với thực tiễn. “Lao động của quân đội là lao động đặc biệt, để họ được hưởng lương hưu 75% thì phải điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh này đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng” - ĐB Nguyễn Minh Hoàng nêu ý kiến.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) ủng hộ sửa luật, nhất là trong bối cảnh hiện nay, việc kiện toàn, nâng cao, hiện đại hóa quân đội là cần thiết, cử tri và đại biểu Quốc hội ủng hộ để đầu tư, nâng cao nhân lực, tài lực cho quân đội. ĐB Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội) cũng nhất trí nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan các mức khác nhau.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM)

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó có quy định về tăng tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan và quy định về cấp hàm, cấp tướng ở thời điểm này là hợp lý. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu chung đã tăng theo quy định của Bộ luật Lao động. Tuổi nghỉ hưu với sĩ quan công an đã tăng theo quy định của Luật Công an Nhân dân (sửa đổi).

Hầu hết các ĐB đều ủng hộ sửa luật với những nội dung mà Chính phủ đã trình.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo