Có một Sài thành rất khác vào những ngày cuối năm, nhất là với những ai quen với hình ảnh dãy phố dài sáng choang bảng hiệu, cửa hàng thời trang trên đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn từ ngã 3 đường Phạm Văn Hai đến đường Bành Văn Trân (phường 7, quận Tân Bình, TPHCM).
Ấy là khi chợ lá dong ông Tạ bắt đầu nhóm họp. Quãng 10 ngày trước Tết Nguyên đán, từ khắp nơi, những thương lái mùa vụ bắt đầu ùn ùn chở lá dong, lạt buộc, lá chuối và còn có cả khuôn gói bánh chưng về tập kết trên vỉa hè đoạn đường này. Chợ hoạt động suốt ngày đêm, từ khi bắt đầu đến khi kết thúc chứ không phải “dọn hàng” mỗi ngày như những chợ khác. Những người bán hàng đa phần dáng vẻ đều lam lũ, vất vả. Lân la hỏi chuyện khi vắng khách mới biết họ đến từ khắp nơi. Có người dân Sài Gốc, ngày thường bám chợ lẻ buôn bán lặt vặt hay bán cà phê vỉa hè; có người dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng,… cũng khăn gói mang hàng về TPHCM bán Tết. Họ gần như ăn, ngủ trên vỉa hè trong suốt thời gian chợ họp. Vậy nên, mỗi năm tuy chỉ họp một lần, nhưng người bán trước vỉa hè và chủ nhà ngay đấy đều biết nhau cả. Tuy chiếm mặt bằng trước nhà nhưng chủ các vựa lá dong đều cho biết là “ngồi nhờ” chứ không phải thuê mướn gì. Hỏi ra đơn giản, không phải vì người nhà hay quen biết mà vì người bán lá lời lãi được có mấy đồng mà trả tiền mướn chỗ ngồi. Một lẽ khác, lá chợ đã có từ rất lâu rồi, không biết chính xác là bao giờ nhưng từ khi phố xá còn thưa thớt. Từ khi người bán chả làm ảnh hưởng mấy đến các chủ nhà xung quanh cho đến khi phố xá đông đúc. Thành ra, ai cũng “xuê xoa”: Tết mà!
|
Tết đã đến rất gần khi chợ lá dong nhóm họp |
Theo lời kể của những người dân sống lâu năm trong khu vực thì hình như chợ xuất hiện khoảng sau năm 1954, thời gian nhiều người miền Bắc di cư vào miền Nam định cư tại đây. Hiện nay, văn hóa “miền Bắc” vẫn còn thể hiện rõ nét tại khu chợ ông Tạ (chợ Phạm Văn Hai bây giờ). Đây là một trong những khu vực bán nhiều đặc sản miền Bắc như bánh su sê, bánh đậu xanh, thuốc lào, trà bắc,… và nhất là món thịt cầy, món ăn khoái khẩu của người miền Bắc.
Và điều này cũng giải thích vì sao chợ này họp giữa “đất phương Nam” nhưng lá chuối, loại dùng để gói bánh tét Tết đặc trưng của miền Nam lại được bán không nhiều. Người mua lá chuối về lại chủ yếu dùng để gói giò kiểu Bắc.
Vậy nên, có một dạo đoạn đường này bị tắc đường liên tục do thi công công trình, chính quyền địa phương muốn dời chợ này đến một vị trí khác cho giao thông khỏi ùn ứ nhưng không thành do đi chợ lá dong ông Tạ đã thành một thói quen văn hóa của người dân TP. Thành ra, địa phương chỉ còn cách bố trí lực lượng để hạn chế ùn ứ giao thông và hướng dẫn bà con kinh doanh giữ trật tự và vệ sinh đường phố.
Theo các tiểu thương, trước đây nguồn lá chủ yếu được lấy từ địa danh Bà Điểm nổi tiếng ở huyện Hóc Môn, ngoại thành TPHCM nhưng nay khu vực này đất nông nghiệp không còn bao nhiêu nên lá được lấy từ các nhà vườn ở Đồng Nai, Lâm Đồng. Lạt buộc là ống giang rừng (cùng họ với tre, nứa nhưng lóng dài), được nhiều gia đình khéo tay, có nghề chẻ sẵn chuẩn bị từ hàng tháng trước Tết.
Lá dong bán Tết được các nhà vườn chặt sát gốc, dài đến hơn 1 mét để bảo quản được lâu chứ không thu hoạch riêng lá. Chỉ khi người mua chọn lá xong, người bán mới chặt gốc cho gọn, tiện cho việc mang về nhà. Ngoài ra, lá còn được các nhà vườn phân thành 3 loại (nhất, nhì, ba) tùy theo kích thước trước khi bó lại chuyển về phố.
Chợ lá dong không chỉ phục vụ cho khách lẻ là các gia đình tự gói bánh ngày Tết mà còn cả bán sỉ cho tiểu thương các chợ truyền thống và các lò gói bánh Tết. Khách lẻ mua nhiều bắt đầu từ sau 25 tháng Chạp. Còn trước đó chủ yếu là đến “xí chỗ” ngồi và bỏ mối các nơi.
|
Một khách hàng đang mua lá dong của chợ |
Cũng chỉ là một phiên chợ, nhưng mỗi năm một khác, nếu chịu khó ngồi quan sát có thể “đo” được tình hình làm ăn một năm của “dân mình”. Năm nào kinh tế khá, chợ nhộn nhịp từ sớm vì người dân đã sẵn tiền sắm Tết. Năm nào khó khăn, đến thật cận Tết người dân mới bắt đầu đến chợ chuẩn bị gói bánh muộn. Nhiều người vì xoay được tiền trễ, cũng có người so đo tính toán mãi mới quyết định có gói bánh hay không, có người đợi giá xuống.
Bây giờ, thời buổi văn minh, hầu như những gì cần trong mấy ngày Tết đều có bán sẵn. Thế nhưng, vẫn còn nhiều gia đình duy trì thói quen tự gói bánh Tết như một truyền thống. Vậy nên, chợ lá dong ông Tạ mỗi năm vẫn tấp nập kẻ bán người mua. Một quãng phố dài xanh kịt màu lá, một phiên chợ rất quê giữa một TP hiên đại khiến nhiều người nao lòng mỗi khi đi qua.
Tết đã về rất gần…