Thứ Sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024

Chú trọng nâng cao chất lượng các trường nghề để định hướng thu hút học sinh

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 19/9, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023-2025. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trần Thị Diệu Thúy, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD - ĐT TP; Lê Văn Thinh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP;…

Công tác phân luồng, định hướng giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn

Báo cáo kết quả 1 năm triển khai chương trình phối hợp, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Huỳnh Lê Như Trang cho biết, theo kết quả báo cáo công tác tuyển sinh hàng năm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ giáo dục nghề nghiệp bình quân hàng năm khoảng 26,19%. Kết quả này dự báo nhiều thách thức lớn của 2 ngành trong việc thực hiện Đề án phân luồng học sinh theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc, chung tay tích cực hơn của các cơ quan, đơn vị, và chính quyền địa phương các cấp.

Trong thời gian tháng 9 và tháng 10 năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp tổ chức Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trung học cơ sở tại 22 điểm. Thông qua các ngày hội, học sinh sẽ được tư vấn, giải đáp các thắc mắc trong việc chọn trường, chọn nghề phù hợp với khả năng của bản thân và xu hướng tuyển dụng lực lượng lao động trong tình hình mới.

Trên cơ sở sơ kết công tác phối hợp giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với Sở Giáo dục và Đào tạo sau 1 năm thực hiện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng với Đại học Quốc gia TPHCM và Sở Giáo dục và Đào tạo ký kết Chương trình phối hợp công tác. Mục tiêu của kế hoạch phối hợp gồm 3 nội dung, cụ thể: Thu thập và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đối với nhu cầu tuyển dụng lao động, nhu cầu việc làm, khả năng cung ứng nguồn nhân lực sau đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP theo từng lĩnh vực hoặc nhóm ngành, nghề đào tạo trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP trung và dài hạn; dự đoán các ngành, nghề mới có tiềm năng phát triển tại TPHCM, khuyến nghị các kỹ năng cần bổ sung cho người lao động. Tổ chức đầu tư hạ tầng số, thiết bị thực tập số, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, phòng học thông minh, các thiết bị phát triển học liệu số. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP các kỹ năng nghề mới, các công nghệ sản xuất hiện đại và các chương trình đào tạo được biên soạn mới theo nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực thị trường lao động.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP ký kết phối hợp Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP ký kết phối hợp

Từ thực tế địa bàn, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1 Trần Đức Hạnh Quỳnh cho biết, công tác phân luồng, định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh sau trung học cơ sở gặp nhiều khó khăn. Do nhận thức của người dân còn chưa coi trọng việc học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, đa phần phụ huynh muốn cho con em họ phải vào đại học và cao đẳng. Mặt khác, phụ huynh cũng cho rằng ở lứa tuổi sau trung học cơ sở chưa trưởng thành nên chưa muốn cho con em đi theo học nghề. Chất lượng giáo dục và cơ hội việc làm sau khi hoàn thành chương trình ở trường nghề cũng là vấn đề mà phụ huynh quan tâm và băn khoăn khi chọn cho con học nghề.

Tập trung tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh chọn nghề phù hợp

Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM Trần Anh Tuấn cho rằng, hoạt động tư vấn học đường về hướng nghiệp phải là chương trình chính khóa ở trường phổ thông, có đội ngũ giáo viên chuyên trách và có kinh phí cho hoạt động. Hình thức tổ chức hoạt động hướng nghiệp cũng cần đa dạng hơn, như tổ chức cho học sinh gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu nghề nghiệp ở các lĩnh vực lao động khác nhau và đưa học sinh đi thực tế tham quan các xí nghiệp sản xuất, các công ty để tìm hiểu ngành nghề yêu thích. Để giúp công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề đạt hiệu quả, cần có một hệ thống thông tin về thế giới nghề nghiệp, thị trường lao động và dự báo nguồn nhân lực của các ngành nghề trong hiện tại và tương lai một cách thống nhất, đầy đủ. Xây dựng cổng thông tin hướng nghiệp TPHCM kết nối với các trường THPT, THCS với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, Hội nghề nghiệp, Hội doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Qua ý kiến tham luận, thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy ghi nhận sự tích cực chủ động của đơn vị trong công tác giáo dục nghề nghiệp cho học sinh; đồng thời, nhấn mạnh, việc đầu tư và đào tạo nghề cho học sinh các trường nghề tại TPHCM rất quan trọng, là nguồn nhân lực phục vụ cho thị trường lao động của TP. Mặc dù các đơn vị có sự cố gắng nhưng với điều kiện đặc thù của TPHCM, tỷ lệ về phân luồng chọn nghề đạt 26% còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy đề nghị các đơn vị tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh chọn nghề phù hợp; phân luồng phù hợp với học sinh. Tạo điều kiện cho các trường nghề bình đẳng trong phối hợp hướng nghiệp tuyển sinh, tạo điều kiện để các trường nghề tiếp cận học sinh,…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy tặng hoa chúc mừng các đơn vị tham gia ký kết tại hội nghị Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy tặng hoa chúc mừng các đơn vị tham gia ký kết tại hội nghị

Bên cạnh đó, các đơn vị cần chú trọng nâng cao chất lượng các trường nghề, đầu tư cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề để tạo sự hấp dẫn cho phụ huynh, học sinh; cần đề xuất đầu tư cơ sở vật chất tiên tiến, thiết bị máy móc phục vụ dạy nghề tiên tiến, chú trọng chất lượng giáo viên đứng lớp dạy nghề, nhất là các ngành nghề tiên tiến… Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy cũng đề xuất nghiên cứu kết nối các trường với thị trường lao động, quan tâm đến kỹ năng nghề, kỹ năng lao động nghề cho học sinh khi ra trường.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo