Đồng chí Nguyễn Thị Lệ kết luận tại buổi giám sát. (Thanhuytphcm.vn) - “TP Thủ Đức cần phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục đánh giá nhu cầu và hỗ trợ kịp thời cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận đầy đủ và sử dụng hiệu quả vốn vay, phương tiện sinh kế, giới thiệu việc làm; cần thể hiện được vai trò kết nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và thị trường lao động, nhằm tạo sự gắn kết giữa cung, cầu lao động và công tác đào tạo đúng nhu cầu của xã hội...” – Đó là chỉ đạo nhấn mạnh của đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM tại buổi giám sát về công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 – 2025 tại UBND TP Thủ Đức, sáng 18/9.
Quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước và lao động việc làm của TP Thủ Đức trong giai đoạn 2020 – 2025, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng các chỉ tiêu về đào tạo nghề và giải quyết việc làm; tạo việc làm mới của TP Thủ Đức đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ lao động thất nghiệp duy trì ở mức thấp so với chỉ tiêu chung của TPHCM; công tác hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được quan tâm bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, TP Thủ Đức đã hỗ trợ giới thiệu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động hơn 200 trường hợp, chiếm 50% tổng số lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài của cả TPHCM…
Quang cảnh buổi giám sát. Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP Thủ Đức tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động nhập cư nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP Thủ Đức. Với định hướng phát triển kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trong giai đoạn tới, đồng chí Nguyễn Thị Lệ yêu cầu TP Thủ Đức cần có kế hoạch, chiến lược dài hạn trong việc đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; cần thể hiện được vai trò kết nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và thị trường lao động, nhằm tạo sự gắn kết giữa cung, cầu lao động và công tác đào tạo đúng nhu cầu của xã hội; không chỉ đáp ứng được nhu cầu lao động địa phương mà còn có thể cung cấp lao động cho các khu vực lân cận.
Đối với các chỉ tiêu về đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo Chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM giai đoạn 2021 – 2025, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị TP Thủ Đức phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục đánh giá nhu cầu và hỗ trợ kịp thời cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận đầy đủ và sử dụng hiệu quả vốn vay, phương tiện sinh kế, giới thiệu việc làm. “Khi người dân có việc làm và thu nhập ổn định, việc vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ thuận lợi hơn” - đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Đối với các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 62/NQ-HĐND của HĐND TP về ban hành Chương trình về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2022 – 2025, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị TP Thủ Đức cần tăng cường công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn lao động, nhất là đối với người sử dụng lao động; tăng cường phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm và các nghành nghề có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động.
Đại biểu Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP phát biểu tại buổi giám sát. Về lĩnh vực việc làm, đồng chí Nguyễn Thị Lệ yêu cầu TP Thủ Đức phối hợp Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp, Khu Công nghệ cao TPHCM kết nối doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn, người lao động để kịp thời cung cấp thông tin thị trường lao động cho doanh nghiệp và cung cấp nhu cầu của doanh nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đó, phối hợp các sở, ngành chuyên môn, nắm bắt dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của TP nói chung và TP Thủ Đức nói riêng, kịp thời triển khai đến các trường học và người dân nhằm thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh địa bàn.
Thực hiện công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp
Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đồng chí Nguyễn Thị Lệ yêu cầu TP Thủ Đức quan tâm kết nối, tạo điều kiện học nghề cho học sinh, người lao động khó khăn, lao động tự do tại địa phương; quan tâm vận động các nguồn lực xã hội, kịp thời hỗ trợ các trường hợp khó khăn tại địa phương; tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động tham dự các buổi tư vấn học nghề; vận động học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông bỏ học giữa chừng tiếp tục tham gia học nghề… Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh nhất là học sinh trung học cơ sở và học sinh phổ thông; để các em lựa chọn và theo học đúng các ngành nghề của xã hội cần.
Đối với lĩnh vực lao động – tiền lương, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị TP Thủ Đức cần tập trung phối hợp Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp, Khu Công nghệ cao và các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định về pháp luật lao động nhất là công khai minh bạch các nội dung về xây dựng thang, bảng lương doanh nghiệp; thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể; xây dựng nội quy lao động…
Đại biểu Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3 phát biểu tại buổi giám sát Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị TP Thủ Đức cần phối hợp các sở, ngành tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại địa phương. Vì TP Thủ Đức là nơi tập trung nhiều chuyên gia, lao động nước ngoài đến làm việc, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng lao động không phép, trốn đóng BHXH… Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cần tăng cường thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn; kịp thời tư vấn, xử lý các tình huống có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ lao động; tăng cường phối hợp các ngành trong đảm bảo các nhu cầu nhà ở, bệnh viện, trường học, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… cho người lao động.
Đối với BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị TP Thủ Đức tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động; tăng cường kiểm tra việc trốn đóng, chậm đóng BHXH của doanh nghiệp, không để phát sinh các điểm nóng, khiếu kiện tập thể, tranh chấp lao động tập thể trên địa bàn. Bên cạnh đó, quan tâm, hỗ trợ người lao động giải quyết các khó khăn về vật chất, vận động người lao động hạn chế rút BHXH một lần; có giải pháp hỗ trợ người lao động nhất là lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện nhằm đảm bảo an sinh xã hội về sau.
Đối với những khó khăn và đề xuất của đơn vị, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị các sở, ngành liên quan có quan tâm hỗ trợ; tiếp tục phối hợp địa phương hỗ trợ và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho biết sẽ ghi nhận đầy đủ các nội dung giám sát, tổng hợp để kịp thời kiến nghị Trung ương, TP giải quyết những khó khăn hiện nay của địa phương nói riêng và TPHCM nói chung.
Nghiên cứu mô hình giới thiệu việc làm hiệu quả hơn
Nêu ý kiến tại buổi giám sát, các đại biểu cho rằng, hiện nay cầu đào tạo nghề cho người lao động của doanh nghiệp đa dạng về ngành nghề và trình độ đào tạo, nhưng chính sách chỉ hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên nên chưa đáp ứng hết nhu cầu của doanh nghiệp… Do vậy, các đại biểu đề xuất TP Thủ Đức nghiên cứu mô hình giới thiệu việc làm hiệu quả hơn như các sàn giao dịch việc làm online, thông qua trang thông tin điện từ, trang mạng xã hội của chính quyền và các tổ chức đoàn thể…, nhằm kết nối thông tin giữa người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp tại địa bàn còn nhiều với số tiền nợ khá cao, còn tình trạng doanh nghiệp vi phạm quy định đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Do vậy, TP Thủ Đức cần quan tâm đến vấn đề này…