Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

Còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM trao đổi với các đại biểu tại điểm cầu TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp 10 Quốc hội khoá XIV, sáng 22/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.

Bổ sung 4 trường hợp tạm giữ người

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp ở nhiều điều, khoản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và rõ ràng của các quy định. Trong đó tập trung vào 6 nhóm vấn đề cụ thể như: quy định về tái phạm; nguyên tắc xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần; thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong xử lý vi phạm hành chính…

Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại điểm cầu TPHCM Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại điểm cầu TPHCM

Về tạm giữ người theo thủ tục hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Dự thảo Luật bổ sung 4 trường hợp tạm giữ người, trong đó trường hợp “tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình” là cần thiết để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; trường hợp “tạm giữ người để bảo đảm thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” là phù hợp để bảo đảm thi hành quyết định áp dụng các biện pháp này.

Xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp

Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào một số nội dung như: xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy; việc xử phạt đối với đối tượng vi phạm hành chính chưa thành niên; xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính những cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc không có thu nhập ổn định;…

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) cho rằng việc xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm ở cấp huyện này nhưng lại cư trú ở địa bàn khác và thuộc phạm vi ở một tỉnh miền núi, hải đảo, vùng xa, việc đi lại gặp khó khăn nên các cá nhân, tổ chức không có điều kiện chấp hành xử phạt tại nơi bị xử phạt. Do vậy, việc xử phạt được chuyển đến cơ quan xử phạt cùng cấp – nơi có cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để thực hiện thi hành xử phạt.

Theo đại biểu Vương Ngọc Hà, trên thực tế, người vi phạm hành chính không có điều kiện chấp hành vi phạm tại nơi xử phạt nên các đồn biên phòng đã gửi quyết định xử phạt đến UBND cấp huyện – nơi cư trú của người vi phạm để đề nghị thi hành. Bởi vì tại địa phương cư trú của cá nhân vi phạm không có cơ quan cùng cấp. Vì vậy, Ban soạn thảo dự thảo Luật cần bổ sung tại Khoản 2 Điều 71 của Luật hiện hành thay cụm từ “cơ quan cùng cấp” bằng từ “UBND cấp huyện” để làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Cũng tại phiên thảo, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến về việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính đối với môi trường, trật tự an toàn xã hội… Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cho rằng trong trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ, được niêm phong được tiến hành ngay trước mặt người vi phạm. Nếu người vi phạm vắng mặt được niêm phong trước mặt đại diện gia đình người vi phạm, hoặc đại diện chính quyền hoặc được người chứng kiến. Như vậy, quy định này không có tính khả thi thực hiện. Đề nghị xem xét vấn đề này.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng quyết định xử phạt vi phạm hành chính cần phải được chấp hành một cách nghiêm chỉnh. Hiện nay, đã có một số biện pháp cưỡng chế nhưng thực tế trong một số lĩnh vực nhất định thì các biện pháp này là chưa đủ. Vì vậy, việc bổ sung thêm biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp điện, nước là cần thiết, nhưng phải làm thận trọng và chỉ trong một số lĩnh vực.

Theo Đại biểu Tô Văn Tám, với phương án 2, chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế này trong lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường và có điều kiện, hình thức đi kèm. Tuy nhiên, biện pháp này không ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác vì việc ngừng cung cấp điện, nước chắc chắn có liên quan đến người khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cần bảo đảm thời gian Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan quan đến Dự thảo Luật và đảm bảo triển khai Luật đúng thời điểm thi hành luật. Hiện còn một số nội dung khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo