Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM)

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 22/11, Chính phủ đã trình Quốc hội về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi.

Đáng chú ý, về người nộp thuế là các tổ chức nước ngoài có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc thu thuế đối với người nộp thuế là các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và bổ sung quy định về loại hình cơ sở thường trú “ảo” (không có hiện diện vật lý).

Về việc quyết định mức độ ưu đãi đầu tư đặc biệt, dự thảo Luật giao Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền quyết định việc kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi, thời gian được hưởng miễn, giảm thuế; mức miễn giảm bổ sung, áp dụng với dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt. Các nội dung này được quy định trong Luật Đầu tư 2020 và được tổng hợp vào dự thảo Luật Thuế TNDN. Đây là những khoản ưu đãi lớn, để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, là quyền lợi và nghĩa vụ của người nộp thuế, vì vậy, nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra đề nghị nên giao Chính phủ quy định để bảo đảm việc tổ chức thực hiện Luật một cách tổng thể và thống nhất…

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ

Đáng chú ý, hiện thuế suất TNDN là 20%, trừ trường hợp được hưởng ưu đãi hoặc chịu thuế cao theo quy định. Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất ưu đãi thuế TNDN cho báo điện tử, truyền hình, phát thanh giảm 5% so với hiện nay, về mức 15%. Riêng báo in vẫn áp dụng mức ưu đãi 10% như quy định hiện hành.

Quốc hội sau đó thảo luận tại tổ về dự án luật này. Quan tâm đến thuế thu nhập với cơ quan báo chí, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) cho rằng, báo in, báo điện tử phải chịu mức thuế TNDN 10 - 15% là quá cao, cần giảm một nửa thuế suất hoặc đưa về 0% trong 5 năm.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng mức thuế áp với các lĩnh vực truyền thông báo chí, văn hóa hiện quá cao. Theo đại biểu, đây là các lĩnh vực quan trọng, cần được ưu đãi thuế nhiều hơn. Báo chí đóng góp lớn trong xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, đấu tranh chống lại thông tin xấu độc, phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Tuy nhiên, nguồn thu của các cơ quan báo chí sụt giảm thời gian qua do hạ nguồn thu từ quảng cáo, chịu sức ép cạnh tranh từ mạng xã hội. Trong khi đó, họ phải tăng đầu tư cho cơ sở vật chất, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu phát triển, chuyển đổi số. ĐB cho rằng, báo chí vừa bị giảm thu quảng cáo, vừa phải tăng chi đầu tư nên gặp khó khăn. Cần áp mức thuế chung cho báo in, báo điện tử là 10%, thậm chí nên miễn thuế TNDN cho báo chí trong 5 năm, hoặc áp thuế ở mức tối thiểu để ngành này vượt qua khó khăn.

Cùng quan điểm, ĐB Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TPHCM cũng cho rằng "cần giảm thuế sâu hơn, về mức 0% hoặc 5% với lĩnh vực báo chí".

Các ĐB đều cho rằng báo chí không phải lĩnh vực kinh doanh, họ làm nhiệm vụ chính trị, truyền thông nên cần sự hỗ trợ, ưu đãi phù hợp. ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho rằng, cần áp dụng mức thuế TNDN 10% với tất cả các loại hình báo chí. Theo ĐB, chúng ta có nhiều cách ưu đãi báo chí nhưng ưu đãi bằng các sắc thuế là rất hợp lý. Bởi như thế sẽ phát huy được nội lực của các cơ quan báo chí, tức ưu đãi trên chính nguồn của cơ quan báo chí, chứng tỏ các cơ báo chí này có bạn đọc, có công chúng thì mới có nguồn thu và ưu đãi trên nguồn thu này bằng cách giảm thuế chính là khuyến khích các cơ báo chí này tiếp tục có nhiều công chúng hơn nữa, có nhiều công chúng hơn nữa thì mới làm tốt được nhiệm vụ chính trị.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên)

Theo ĐB, doanh thu báo chí hiện nay đang giảm rất nhiều, Đảng, Nhà nước và Quốc hội luôn quan tâm, hỗ trợ, đồng hành, luôn tin cậy báo chí, báo chí góp phần quan trọng làm nên sức mạnh Việt Nam, do đó rất cần hỗ trợ về thuế cho báo chí. Mặt khác, theo ĐB, để hỗ trợ báo chí thì không chỉ hỗ trợ chính sách thuế mà còn nhiều cách thức khác, cần có những tính toán để có sự đồng bộ hơn nữa trong việc khuyến khích các cơ báo chí làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Đồng thời, cần phát huy được kinh tế báo chí nhằm thúc đẩy báo chí phát triển lâu dài, ổn định, giữ vững giá trị báo chí cách mạng.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam đề nghị bổ sung ưu đãi thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đó không chỉ là chính sách tài khóa mà còn là chiến lược phát triển quốc gia. Dự thảo cũng cần bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế đối với giao dịch chuyển nhượng vốn giữa các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó doanh nghiệp được chuyển nhượng đang sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất, hoặc quyền thực hiện dự án tại Việt Nam…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo