Thứ Tư, ngày 22 tháng 1 năm 2025

Công cụ chuyển dịch cơ cấu từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức

Các đại biểu tham dự buổi hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 12/11, tại Khu Công nghệ cao (SHTP) TPHCM đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Công viên khoa học: Trung tâm đổi mới sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM”. 

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP, TPHCM cần một mô hình Công viên khoa học phù hợp với xu hướng phát triển chung của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Đây là một trong những công cụ để chuyển dịch cơ cấu từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Mô hình Công viên khoa học đang hướng tới là nơi gắn kết với Khu Công nghệ cao hiện hữu, trung tâm khoa học công nghệ TP, là hạt nhân của đô thị đổi mới sáng tạo phía Đông.

PGS.TS Nguyễn Anh Thi cho biết thêm, năm 2015, Công viên khoa học (trực thuộc Ban Quản lý SHTP) được UBND TP phê duyệt thành lập và triển khai đầu tư xây dựng trên diện tích khoảng 197 ha tại phường Long Phước, Quận 9. Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, trong đó có điều chỉnh chức năng sử dụng đất tại Công viên khoa học. Ban Quản lý SHTP đang triển khai các bước để đầu tư, phát triển hạ tầng cho Công viên khoa học.

Công viên khoa học TP có mục tiêu chiến lược là tạo điều kiện môi trường cho các hoạt động giữa nghiên cứu triển khai, ứng dụng công nghệ và thương mại hóa công nghệ cao, làm nền tảng thúc đẩy năng lực canh tranh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của TP và cả nước. Đây sẽ là trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ đa chuyên ngành, liên kết với các đại học trong khu vực, đặc biệt là Đại học Quốc gia TPHCM. Đồng thời, là nơi thu hút đội ngũ trí thức, các nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc, nghiên cứu sáng tạo công nghệ.

Tại hội thảo, các ý kiến khẳng định tính đúng đắn của TPHCM khi xây dựng Công viên khoa học. Một số đại biểu cũng đề xuất, cần có chính sách và biện pháp cụ thể tăng cường kết nối các lĩnh vực khoa học, trường đại học, nhà khoa học trong nước và quốc tế với doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tập trung giới thiệu các xu hướng vận hành và phát triển mô hình Công viên khoa học tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Cùng với đó là mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và các chính sách hỗ trợ; mô hình tích hợp quy hoạch đô thị chung vào quy hoạch phát triển Công viên khoa học TP

Khoảng 20 năm gần đây, các nước tiên tiến không ngừng đầu tư xây dựng và phát triển nhiều dạng mô hình khác nhau, từ các trung tâm đổi mới sáng tạo, uơm tạo hay công viên khoa học, khu công nghệ cao, đô thị khoa học, vùng đô thị khoa học công nghệ… Nhiều mô hình công viên khoa học đã hoạt động thành công tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Singapore, Philippines, Thái Lan và Indonesia, Malaysia,…

Nguyễn Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo