(Thanhuytphcm.vn) - Nghề gốm truyền thống của đồng bào Khmer huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang hình thành và phát triển hơn 100 năm. Với nghị lực và lòng yêu nghề, đồng bào Khmer đã và đang tạo ra những giá trị đặc sắc của nghề gốm thủ công mà khó nơi nào có được.
Nằm cách thành phố Rạch Giá 30km về hướng Tây Bắc, Hòn Đất là huyện có diện tích lớn nhất trong 15 huyện, thị xã của tỉnh Kiên Giang với 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer sinh sống. Trải qua thăng trầm biến đổi, đến nay vùng đất này vẫn còn lưu giữ khá nhiều giá trị truyền thống, trong đó nghề gốm thủ công được xem là di sản đặc sắc của đồng bào Khmer trên địa bàn huyện này. Nếu như năm 2012, chỉ còn vỏn vẹn 3 hộ duy trì làm gốm, thì hiện nay đã có được 20 hộ tham gia sản xuất, tập trung chủ yếu ở xã Thổ Sơn, đời sống kinh tế người dân cũng khá lên từ việc xuất bán các sản phẩm gốm.
Để hoàn thành một sản phẩm gốm phải mất khoảng 7 ngày, qua nhiều công đoạn. Đất sau khi mang về được lọc sạch sỏi, tạp chất rồi nhồi cho thật dẻo gọi là công đoạn “Đập đất”. Tiếp theo là các công đoạn “Se chỉ - Ra khuôn - Kéo miệng - Lên hong - Đập đít - Đốt nồi”. Các công đoạn với những tên gọi dân dã này trở thành câu cửa miệng của đồng bào Khmer làm gốm nơi đây.
Ở công đoạn “Se chỉ”, người thợ gốm dùng đôi tay khéo léo se đất thành từng sợi, tùy vào mục đích tạo ra các sản phẩm lớn, nhỏ mà độ lớn sợi gốm có thể khác nhau, trung bình từ 10 - 15cm.
Ở công đoạn “Ra khuôn”, người thợ đặt sợi đất lên bàn xoay. Thợ gốm dùng tay nắn thành hình các sản phẩm như nồi, hủ, khuôn bánh... Cái hay trong kỹ thuật tạo sản phẩm gốm của người Khmer là các thao tác đều bằng tay, không sử dụng máy móc, kỹ thuật sử dụng bàn xoay cố định, không gắn bất kỳ phương tiện nào để xoay tạo hình sản phẩm mà do chính người làm gốm tự thực hiện, một tay vừa nắn gốm, một tay dùng bàn dập để tạo hoa văn, vừa nắn gốm vừa đi, theo nguyên tắc đi lui ngược chiều kim đồng hồ, vì họ cho rằng đi tới theo chiều kim đồng hồ sẽ rất chóng mặt và khó thực hiện.
Sau khi ra khuôn tạo hình, các sản phẩm gốm được mang đi phơi nắng khoảng 1 ngày cho đất khô và cứng hơn, thợ gốm sẽ thực hiện các công đoạn còn lại. Vì lúc này, việc tạo các vành miệng cho gốm, tạo độ cong cho vai gốm đòi hỏi rất công phu và đất phải ở trạng thái cứng, khô nhất định và còn độ dẻo để dễ dàng tạo dáng cho sản phẩm. Các công đoạn này quyết định tính mỹ thuật của các sản phẩm làm ra.
Tiếp đó, người làm gốm tiếp tục phơi các sản phẩm một lần nữa cho đến khi thật khô, trước khi thực hiện công đoạn cuối cùng là “Đốt nồi”. Người thợ gốm cẩn thận kiểm tra lần cuối các sản phẩm đã đủ tiêu chuẩn hay chưa, các sản phẩm phải được tập kết lại trong mát, không cho tiếp xúc với nắng vì nếu phơi nắng vừa xong mà mang đi nung liền thì độ bền không cao, sẽ nứt và dễ vỡ. Nguyên liệu sử dụng để nung gốm thủ công là củi và rơm. Người thợ chất xen kẻ một lớp sản phẩm gốm và một lớp củi khô và rơm, cứ thế liên tiếp chồng lên trung bình khoảng 3 - 4 lớp là tốt nhất. Mỗi lần nung khoảng một buổi, cho ra khoảng 300 - 400 gốm thành phẩm.
Ngày nay, các sản phẩm gốm Hòn Đất được các thương lái đặt hàng, chở ghe lên các tỉnh, thành như Cần Thơ, Vĩnh Long, TPHCM, Bình Dương… Sản phẩm được sử dụng chủ yếu trong các nhà hàng, hàng quán cơm nêu, hay để trưng bày mỹ thuật... Nhờ đó, người dân nơi đây có thêm cơ hội phát triển và bảo tồn nghề gốm truyền thống cũng như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động sau những vụ mùa nông nhàn.
Nguyên liệu đất làm gốm được lấy dưới chân núi Hòn Đất Công đoạn se chỉ gốm Công đoạn Ra khuôn – Kéo miệng – Lên hong được thực hiện trên bàn xoay Các sản phẩm gốm chưa nung Công đoạn “Đốt nồi” Sản phẩm gốm sau khi nung