Thứ Sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024

Đảm bảo hiệu lực thực thi chính sách liên kết vùng Đông Nam bộ

Các đại biểu tham dự hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 29/10, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng Nam bộ và lân cận”. Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, việc đảm bảo hiệu lực thực thi cơ chế và chính sách liên kết vùng có vai trò rất quan trọng. Thể chế liên kết vùng cần đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất, hướng tới tối đa hóa lợi ích của toàn vùng, của quốc gia.

Chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, mặc dù đóng góp GDP lớn nhất so với các vùng khác trong cả nước, song vùng Nam bộ vẫn được đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của vùng. Trong xu thế hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mở ra nhiều cơ hội, thách thức cho vùng đầu tàu kinh tế của Việt Nam trong phát triển nhanh và bền vững. Một trong những thách thức là hàng loạt vấn đề mới nổi lên mà một địa phương riêng lẻ không thể tự giải quyết được hoặc tự giải quyết không hiệu quả như: giao thông liên vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường, tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chủ động đón đầu Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4…

Trao đổi về các trụ cột quan trọng trong thúc đẩy phát triển của vùng Nam bộ, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ nhấn mạnh, bên cạnh những trụ cột về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các nguồn lực khác (công nghệ, tài chính, văn hóa, xã hội…), phải nhìn nhận một trụ cột có tính quan trọng và kích hoạt cho sự phát triển vượt bậc, để khơi thông mọi nguồn lực, tiềm năng của vùng Nam bộ, đó chính là trụ cột thể chế, trong đó có những vấn đề về thể chế phát triển bền vững và thể chế liên kết vùng để phát triển. Từ đó, sẽ lan tỏa và khơi thông các yếu tố trụ cột quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia, vùng và từng địa phương.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Quang, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (Viện Chiến lược phát triển) cho rằng, cần thay đổi mạnh mẽ tư duy “giới hạn theo địa giới hành chính” và cơ cấu kinh tế “khép kín” đã làm cho các địa phương từ chối khai thác lợi thế cạnh tranh của các tỉnh khác và đầu tư dàn trải vào những lĩnh vực mà địa phương mình không có lợi thế. Cùng với đó là cần thay đổi tư duy hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực “đồng đều” từ cấp Trung ương đến địa phương. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng và phát triển trong bối cảnh nguồn lực có hạn, việc đầu tư trọng điểm vào một số vùng có tiềm năng phát triển kinh tế là cần thiết.

Đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa các địa phương

Một số đại biểu cho rằng, đảm bảo hiệu lực thực thi cơ chế và chính sách liên kết vùng có vai trò rất quan trọng. Trong quá trình thực hiện chính sách, cần phải theo dõi, đôn đốc thường xuyên để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi chính sách liên kết vùng.

 Thạc sĩ Nguyễn Văn Quang cho rằng, cần nghiên cứu và ban hành chính sách đặc thù cho vùng đặc biệt là những chính sách liên quan tới ưu đãi thuế và tín dụng, phát triển nguồn nhân lực, thu hút và khuyến khích xúc tiến đầu tư... Các chính sách cần hướng tới thúc đẩy lợi thế so sánh hay lợi thế tuyệt đối của từng vùng thành lợi thế cạnh tranh của vùng để tận dụng và phát huy tối đa lợi thế đó.

Cùng về nội dung này, Thạc sĩ Phạm Quỳnh Lan, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ nhấn mạnh, hoàn thiện thể chế liên kết vùng phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp chính quyền trong giai đoạn 2021-2030 nhằm đảm bảo tăng cường liên kết vùng. Từ đó, thúc đẩy phát triển địa phương, vùng và quốc gia một cách nhanh và bền vững. Cùng với đó, thể chế liên kết vùng cần đảm bảo thúc đẩy liên kết vùng dựa trên cơ sở tôn trọng, hài hòa lợi ích, đảm bảo tạo lập và duy trì sự tin tưởng giữa các bên, tạo lợi thế cạnh tranh của vùng, tăng cường tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.

Theo Thạc sĩ Phạm Quỳnh Lan, thể chế liên kết vùng cần đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất, hướng tới tối đa hóa lợi ích của toàn vùng, của quốc gia; khuyến khích các hình thức liên kết sáng tạo và đủ linh hoạt để đem lại hiệu quả và lợi ích, đồng thời có những quy định mang tính hành chính, bắt buộc trong các lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn hoặc mang tính tổng hợp, phức tạp.

Ng. Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo