Sáng ngày 18/10, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức tọa đàm: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (ảnh). Đến dự có ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đại diện các cơ quan, sở, ban ngành, đoàn thể TP. Tham dự tọa đàm còn có lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ba Huân, Công ty Vissan, Liên hiệp Hợp tác xã thành phố (Sài Gòn Coo.op Mart); đại diện lãnh đạo Hội Nông dân 12 huyện, quận và 58 xã ngoại thành có tổ chức hội nông dân …
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phụng, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố nêu rõ: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát động đến nay đã hơn 2 năm. Mục đích của Cuộc vận động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc; xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tọa đàm nhằm động viên cán bộ, hội viên, nông dân có hành động cụ thể, tích cực, ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tiêu dùng; các doanh nghiệp chuyên ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; dịch vụ bán hàng, dịch vụ hậu mãi tốt hơn, chinh phục người tiêu dùng…
Nhiều ý kiến thảo luận của đại diện các doanh nghiệp, cán bộ, hội viên, nông dân huyện, quận và cơ sở cho rằng: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động là một chủ trương kịp thời, đúng đắn, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Qua 2 năm thực hiện, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới thiết bị, chú trọng chất lượng sản phẩm, mở rộng mạng lưới phân phối, khẳng định thương hiệu nhằm đáp yêu cầu hàng xuất khẩu và phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước (Công ty Ba Huân đầu tư dây chuyền sản xuất 120.000 trứng/giờ; mở 1.000 điểm bán hàng phân phối, lưu động giá thấp hơn thị trường 10%; Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, mở rộng mạng lưới bán hàng từ 800 điểm tăng lên 1.050 điểm bán hàng …). Một số ý kiến cũng cho rằng: hàng Việt Nam về nông thôn còn ít, mạng lưới phân phối chưa nhiều, sức mua hàng Việt Nam ở nông thôn còn yếu…
Tại cuộc tọa đàm, các doanh nghiệp kiến nghị: Giữa các doanh nghiệp và địa phương, vùng miền cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ trong việc đưa hàng Việt Nam về nông thôn, nhất là khâu tuyên truyền vận động người dân mua hàng Việt Nam. Lãnh đạo thành phố cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong mở rộng điểm bán hàng phân phối, bình ổn giá, phương tiện bán hàng lưu động; các cơ quan tuyên truyền đại chúng giảm chi phí quảng cáo cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam nhằm tạo điều kiện quảng bá hàng Việt đến người dân nhiều hơn…
Phát biể kết luận tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phụng, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố nhấn mạnh: Các cấp hội nông dân thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thay đổi tâm lý tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trong phối hợp với các doanh nghiệp, cần tích cực thể hiện vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng, phối hợp có kết quả trong khâu đưa hàng hóa, mở rộng mạng lưới, điểm bán lẻ, hàng lưu động nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Dịn này, ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã triển khai một số nội dung hoạt động của Ban Chỉ đạo thành phố, trong đó có việc tổ chức giải báo chí “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phối hợp Đài Truyền hình thành phố đẩy mạnh khâu tuyên truyền quảng bá hàng Việt, tăng cường tuyên truyền vận động trong hệ thống chính trị và xã hội tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”….