(Thanhuytphcm.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đối tượng quy hoạch là các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm, không bao gồm các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, với phạm vi quy hoạch trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2030, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đồng bộ và hiện đại với quy mô, cơ cấu và phân bố hợp lý; thiết lập được một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân và yêu cầu phát triển đất nước bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, đến năm 2030, quy mô trên 3 triệu người học, đạt 260 sinh viên và 23 học viên sau đại học trên một vạn dân (hiện, số sinh viên cả nước là gần 2,1 triệu, đạt 230 sinh viên trên một vạn dân); tỷ lệ học đại học trên số người trong độ tuổi 18 - 22 đạt 33% trong đó không tỉnh nào có tỷ lệ thấp hơn 15%. Cơ cấu trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và công nghiệp hiện đại; tỷ trọng quy mô đào tạo thạc sĩ (và trình độ tương đương) đạt 7,2%, đào tạo tiến sĩ đạt 0,8%, đào tạo cao đẳng sư phạm đạt 1%; tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%. Mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn; nâng cấp, phát triển một số cơ sở giáo dục đại học đạt các tiêu chuẩn chất lượng ngang tầm khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030.
Quy hoạch nêu, hình thành các trung tâm giáo dục đại học lớn, đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo tại 44 vùng đô thị gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ, tạo động lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và cả nước; phấn đấu vào tốp 10 quốc gia châu Á…
Theo quy hoạch, các cơ sở giáo dục đại học công lập chiếm khoảng 70% tổng quy mô đào tạo toàn quốc, giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển đất nước và bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học thuận lợi, công bằng cho người dân. Các cơ sở giáo dục đại học tư thục và tư thục không vì lợi nhuận chiếm khoảng 30% tổng quy mô đào tạo toàn quốc, giữ vai trò quan trọng trong đa dạng hóa dịch vụ giáo dục đại học, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của người học và của thị trường lao động.
Cả nước có từ 50 -60 cơ sở giáo dục đại học đào tạo tới trình độ tiến sĩ, trong đó khoảng 50% phát triển theo định hướng nghiên cứu, giữ vai trò nòng cốt trong mạng lưới về đào tạo, bồi dưỡng nhân tài gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Đáng chú ý, 5 trường, học viện sẽ được tập trung đầu tư, nâng cấp trở thành đại học trọng điểm quốc gia về kỹ thuật, công nghệ, có chất lượng ngang tầm khu vực. Đây là 5 trường, học viện công lập có năng lực, uy tín hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu một số ngành, lĩnh vực công nghệ then chốt, mũi nhọn. Danh sách 5 cơ sở này gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Trong đó, Đại học Bách khoa Hà Nội được xếp vào nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á. Theo quy hoạch đến năm 2030, quy mô đào tạo lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán) của Việt Nam lên khoảng 1 triệu người học, trong đó có 1% trình độ tiến sĩ, 7% thạc sĩ.
Cũng theo quy hoạch, đến năm 2030, số trường đại học đào tạo giáo viên là 48-50 trường, giảm 15-17 trường so với hiện nay. Tuy nhiên, quy mô đào tạo của nhóm này tăng, đạt 180.000-200.000 người học, gồm 85% ở trình độ đại học và 15% cao đẳng. Hai trường đại học sư phạm trọng điểm là Sư phạm Hà Nội và TPHCM; cùng 12 trường trực thuộc Bộ GD-ĐT, các đại học quốc gia và đại học vùng sẽ giữ vai trò nòng cốt trong mạng lưới.
Để giảm số trường đào tạo giáo viên và nâng quy mô sinh viên, Việt Nam sẽ nâng cấp, phát triển Đại học Sư phạm Hà Nội và TPHCM thành trường trọng điểm quốc gia về sư phạm. Các trường đại học sư phạm thể dục và thể thao, nghệ thuật sẽ được sáp nhập vào một trường sư phạm hay đại học đa ngành; hoặc sáp nhập, hợp nhất với nhau hay với trường chuyên sâu về các lĩnh vực đó. Các trường cao đẳng sư phạm sẽ được sáp nhập vào đại học sư phạm hoặc đa ngành; hoặc sáp nhập, hợp nhất với cơ sở giáo dục khác tại địa phương. Các trường đại học sư phạm kỹ thuật tới đây cũng được tái cấu trúc thành các trường đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghệ và kỹ thuật, nhưng vẫn tiếp tục vai trò hạt nhân trong đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp…