Thứ Hai, ngày 16 tháng 12 năm 2024

Đồng chí Hoàng Quốc Việt: Tấm gương người cộng sản kiên cường vì Đảng – vì Dân

Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28 tháng 5 năm 1905 tại làng Đáp Cầu, tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí là con trai thứ 6 trong gia đình 7 người con của cụ Hạ Bá Khoát và cụ bà Trần Thị Cẫy. Ông nội là cụ Hạ Bá Đạt, một nhà nho yêu nước làm nghề dạy học và tham gia đánh Pháp, hy sinh năm 1884.

Năm 1922, đồng chí học ở trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng và tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh, thanh niên, thợ thuyền đất cảng. Năm 1925, khi đang học năm thứ ba, đồng chí đã tham gia phong trào bãi khoá và tham gia đoàn biểu tình phản đối chính quyền thực dân kết án tử hình nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Bị đuổi học, năm 1926, đồng chí đi làm thợ nguội ở mỏ Phấn Mễ (Thái Nguyên) được 3 tháng thì về làm ở mỏ than Mạo Khê. Năm 1927, đồng chí về làm ở Sở Ca Rông Hải Phòng và tham gia hoạt động cách mạng.Thời gian này, đồng chí đã gặp những chiến sĩ cách mạng tiền bối như Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện.

Tháng 7 năm 1928, đồng chí Hoàng Quốc Việt được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Giữa năm 1929, đồng chí được phái vào Nam Bộ hoạt động cùng với đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương. Đến cuối năm 1929, theo chủ trương của Đảng, đồng chí được giới thiệu xuống làm việc ở tàu Chantilly của Pháp để có điều kiện tìm đường sang Pháp tìm hiểu và móc nối liên lạc với phong trào công nhân và Đảng Cộng sản Pháp.

Sau Hội nghị thành lập Đảng, tháng 2 năm 1930, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời; tháng 4 năm 1930, trên đường ra Bắc dự hội nghị, đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng và tra tấn dã man, đánh gãy chân, phải mang tật mãi đến sau này.

Nửa cuối năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp kết án tù chung thân, đến cuối năm thì bị đày ra Côn Đảo cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ... Tại Côn Đảo, đồng chí cùng các đồng chí trong Đảng tiến hành xây dựng tổ chức Đảng trong tù, thực hiện việc “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Cuối năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng một số chiến sĩ cách mạng khác được trả tự do. Ngay sau khi ra tù, đầu năm 1937, đồng chí đã cùng với một số đồng chí khác tổ chức xuất bản một số tờ báo công khai ở Hà Nội, như: Bạn Dân, Thời Thế... và được phân công cùng đồng chí Trường Chinh phụ trách các tờ báo của Đảng ở Bắc Kỳ. Tháng 5 năm 1937, đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

Trong những năm tháng cực kỳ khó khăn của cách mạng, đồng chí đã đi nhiều nơi từ Nam ra Bắc, chắp nối, khôi phục, củng cố và phát triển nhiều cơ sở đảng và lực lượng quần chúng, chuyển hướng các hình thức, phương thức hoạt động, đấu tranh cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ. Năm 1941, đồng chí tham dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập, chủ trì và đồng chí đã được cử vào Trung ương Đảng. Tháng 8 năm 1945, đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu vào Thường vụ Trung ương Đảng.

Thường vụ Trung ương Đảng cử đồng chí Hoàng Quốc Việt và đồng chí Cao Hồng Lãnh dẫn đoàn cán bộ thay mặt Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh vào Nam Bộ “để chỉ đạo và kiểm tra việc khởi nghĩa giành chính quyền”; đến ngày 1 tháng 9 năm 1945 đoàn đã đến Nam Bộ.

Tháng 2 năm 1946, đồng chí Hoàng Quốc Việt trở ra Pác Bó và từ tháng 7 năm 1947 là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp phụ trách Tổng bộ Việt Minh. Từ tháng 3 năm 1951 đến năm 1957, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, phụ trách công tác dân vận, mặt trận và làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Năm 1960, đồng chí được bầu vào làm Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt – Trung.

Tháng 12 năm 1976, trong Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và tiếp tục giữ nhiều chức vụ: Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977), Chủ tịch danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983), là Đại biểu Quốc hội vào các khóa V, VI, VII, VIII.

Gần 70 năm cống hiến cho Đảng, cho dân tộc, dù hoạt động ở đâu, làm bất cứ công việc gì, đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng cống hiến hết sức lực, trí tuệ cho Đảng, cho dân. “Đồng chí Hoàng Quốc Việt để lại cho chúng ta tấm gương sáng về một chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị, chân thành và cởi mở với đồng chí, đồng bào, đặc biệt quan tâm đến người lao động, tính nguyên tắc kết hợp với tính linh hoạt, rất nghiêm khắc nhưng rất khoan dung, được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta yêu mến và kính trọng.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã thể hiện đầy đủ phẩm chất cao đẹp của người cộng sản chân chính, suốt đời vào sinh ra tử để phục vụ sự nghiệp cao cả của giai cấp công nhân và của dân tộc là giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước, luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Đồng chí đã sớm hòa mình vào dòng thác đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một trong những đồng chí lãnh đạo có uy tín của Đảng. Chính những năm tháng lăn lộn hoạt động trong phong trào công nhân, công đoàn đã hình thành trong đồng chí tác phong sâu sát quần chúng, thói quen và bản lĩnh vận động công nhân tham gia cách mạng. Bất cứ ở đâu, làm bất cứ việc gì đồng chí cũng sống chan hoà, gần gũi với công nhân lao động, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của mọi người để vận động, giác ngộ, xây dựng lực lượng và bảo vệ thành quả của cách mạng.

Trong đời thường, đồng chí rất giản dị, cởi mở, chân tình với bạn bè, đồng chí, với cán bộ, nhân viên giúp việc, cũng như với quần chúng nhân dân lao động. Trong công tác, đồng chí rất nguyên tắc, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, thói làm ăn tắc trách, hời hợt, thiếu đào sâu suy nghĩ. Đồng chí được bổ nhiệm kiêm chức Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và rất nổi tiếng về xét xử công minh, giải quyết nhiều vụ việc có tình có lý, sát hợp với lòng người.

Với những đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta - cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Đồng chí còn có những tác phẩm tiêu biểu như: Chặng đường nóng bỏng (hồi ký), Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 1985; Con đường theo Bác (hồi ký), Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 1990. Tên đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được các tỉnh và thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Cần Thơ, Quảng Ninh đặt tên đường, tên trường học, tên quảng trường nhằm tưởng niệm và tôn vinh tấm gương người cộng sản kiên cường vì Đảng – vì Dân.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo