Quang cảnh hội thảo “ESG-Dịch chuyển tất yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu” (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 2/6, Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM (HAMEE) phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức hội thảo “ESG-Dịch chuyển tất yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu”. Hội thảo nhằm góp phần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp (DN) TP.
Theo Phó Giám đốc ITPC Nguyễn Tuấn, trong vài năm gần đây, ngày càng có nhiều DN đã và đang tiếp tục nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đang ngày càng trở nên quan trọng trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng, đặc biệt là các DN trong chuỗi cung ứng và mảng hậu cần. Nhiều DN Việt Nam đã có những thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh.
Bên cạnh đó, các DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như ngành hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống từng bước thực hiện phát triển bền vững như sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, quan tâm đến phát triển kinh tế địa phương, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng và đặc biệt tập trung vào sản suất sản phẩm xanh và sản phẩm được gắn nhãn xanh bởi tổ chức uy tín trong nước. Trong đó, sản phẩm xanh là sản phẩm đáp ứng 4 tiêu chí, gồm: sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn cho môi trường và sức khỏe thay thế sản phẩm độc hại, sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng.
Tham gia chia sẻ tại hội thảo, đại diện HAMEE phân tích những xu thế ESG toàn cầu; giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp về nền kinh tế xanh: phát triển bền vững và hiệu quả, đây vừa là thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp thực hành ESG; đồng thời nhấn mạnh những ưu thế mà Việt Nam hiện có để có thể tiếp cận thị trường toàn cầu. So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng, như chính trị - xã hội ổn định, nguồn lao động trẻ dồi dào, tiềm năng thị trường gần 100 triệu dân với tầng lớp khá giả ngày càng tăng...
Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hiệp ước thương mại và có quan hệ tốt đẹp hơn với các đối tác thương mại của mình trong khu vực. Điều này giúp làm giảm chi phí xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép và điện tử tới các thị trường toàn cầu. Việc là thành viên của ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTAs) được xem là điểm mạnh cốt yếu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Là một nhân tố trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam có điều kiện xuất khẩu tất cả các mặt hàng sang các quốc gia trong cộng đồng với mức thuế bằng không. Trong khi đó, các hiệp định thương mại của chính ASEAN với hàng loạt các quốc gia khác trên thế giới trong vòng 16 năm qua cũng đã đem lại cơ hội cho Việt Nam tiếp cận với các khu vực khác ngoài ASEAN; tính hiệu lực của các thương vụ này càng được củng cố hơn nữa bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership RCEP) gần đây.
Tuy nhiên, việc phát triển ESG của DN Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Thông qua chương trình tọa đàm, ban tổ chức hỗ trợ cung cấp cho các DN nhiều thông tin bổ ích trong việc triển khai ESG vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhằm thay đổi tư duy và thái độ đúng đắn của DN với tính bền vững, xem đây là cơ hội để phát triển thay vì nghĩa vụ, việc phát triển ESG sẽ là chìa khóa trọng tâm trong quá trình dịch chuyển tất yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp nâng cao tính bền vững trong chuỗi cung ứng, không những giảm chi phí, tăng năng suất mà còn tạo ra một hệ sinh thái bền vững hỗ trợ tăng trưởng, tranh thủ được cơ hội, cũng như giảm thiểu các thách thức từ xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển nhanh, bền vững và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.